Lê_Sát

Lê Sát (chữ Hán: 黎察, ? – 1437) là chính khách, nhà quân sự, thừa tướng Đại Việt thời Lê sơ. Ông là người làng Bỉ Ngũ, thuộc Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam, và là một trong những công thần khai quốc của hoàng triều Lê.[1]Lê Sát được Đại Việt thông sử mô tả là trí dũng hơn người. Thời kỳ nước Việt bị đế quốc Minh-Trung Quốc đô hộ, năm 1418 Bình Định vương Lê Lợi nổi quân ở Lam Sơn. Lê Sát theo Lê Lợi trải bao gian hiểm, nhiều lần thắng quân Minh trên các chiến trường Thanh Hóa, Nghệ AnĐông Đô điển hình như trận Quan Du (1420), trận Khả Lưu (1424), trận vây hãm Tây Đô (1425), trận vây hãm Đông Quan (1427) và trận công phá thành Xương Giang. Cuối năm 1427, Lê Lợi phong ông làm Tư mã. Sau nhiều thất bại ở Đông Đô và Xương Giang, Minh Tuyên Tông sai Tổng binh An Viễn hầu Liễu Thăng, Phó Tổng binh Bảo Định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ và Tham tán quân sự Binh bộ thượng thư Lý Khánh đem 10 vạn viện binh theo đường Quảng Tây sang Đại Việt. Tư mã Lê Sát cùng Tư không Lê Nhân Chú đem quân chặn đánh ở ải Chi Lăng, tiến hành mai phục, tiêu diệt Liễu Thăng cùng 1 vạn quân vào ngày 20 tháng 9 âm lịch năm 1427. Quân Minh gắng gượng tiến vào Xương Giang; Lê Sát cùng Lê Nhân Chú, Lê Lý, Lê Văn An, Lê Vấn, Lê Khôi liên tục đánh bại, giết Lương Minh, Lý Khánh, bắt Thôi Tụ và tiêu diệt toàn bộ viên binh Minh gần Xương Giang. Bị cô lập trong thành Đông Quan, tổng binh Thành Sơn hầu Vương Thông phải mở hội thề rút quân về nước.Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (Lê Thái Tổ), phong thưởng cho các công thần. Lê Sát được ban hiệu Suy trung Tán trị Hiệp trung mưu quốc công thần Nhập nội kiểm hiệu Tư khấu bình chương quân quốc trọng sự. Năm 1429, tên ông đứng thứ nhì, phong Huyện thượng hầu.[2] Năm 1433, Lê Thái Tổ phong ông làm Đại tư đồ, nhận cố mệnh giúp thái tử Lê Nguyên Long. Năm 1435, thái tử lên ngôi Hoàng đế (Lê Thái Tông), phong ông làm thủ tướng. Lê Sát hăng hái giúp vua sửa sang chính sự, năng can gián nhưng ông không hiểu đại thể, làm theo ý riêng, nóng nảy, lại sử dụng hình luật rất nghiêm khắc tàn bạo. Lê Thái Tông bên ngoài tỏ vẻ bao dung, trong lòng ghét bỏ. Năm 1437, Lê Sát bị bãi chức, sau bắt tự tử tại nhà, vợ con gia sản đều bị tịch thu.[3]

Lê_Sát

Phục vụ Khởi nghĩa Lam Sơn
Nhà nước Đại Việt
Công việc khác Phụ chính.
Tham chiến Trận Lỗi Giang
Trận ải Khả Lưu
Trận vây Tây Đô
Trận vây Đông Quan
Trận vây Xương Giang
Trận Chi Lăng - Xương Giang
Khen thưởng Suy trung Tán trị Hiệp trung mưu quốc công thần; Nhập nội Kiểm hiệu Tư khấu Bình chương quân quốc trọng sự (1428)
Huyện thượng hầu (1429)
Dương Vũ tĩnh nạn công thần; Đại tư đồ (1433)
Thái bảo Cảnh quốc công (1484, truy phong)
Sinh Thanh Hóa, Đại Việt
Cấp bậc Tư mã (1427)
Mất 1437
Đông Kinh, Đại Việt
Gia đình Con gái Lê Ngọc Dao
Thuộc Quân đội Đại Việt