Mạch_nước_phun
Mạch_nước_phun

Mạch_nước_phun

Mạch nước phun (tiếng Anh: geyser) là mạch nước (spring) phun nước nóng và hơi nước từ lòng đất vào bầu không khí theo chu kỳ hoặc nhiễu loạn và thường phun lên theo phương thẳng đứng.[1]Sự hình thành các mạch nước phun là do những điều kiện địa chất thủy văn đặc biệt, và vì vậy mạch nước phun cũng rất hiếm gặp trên Trái Đất[1]. Nói chung những nơi có mạch nước phun nằm gần những vùng có núi lửa hoạt động,[2] và hiện tượng mạch nước phun liên quan đến magma[2]. Nói chung khi nước bề mặt thấm xuống lòng đất trung bình khoảng 2.000 mét thì nó sẽ tiếp xúc với đá nóng. Kết quả là xảy ra sự sôi nước áp lực tạo ra hiệu ứng mạch nước phun chứa nước nóng và hơi nước phun lên mặt đất.Có khoảng một nghìn mạch nước phun tồn tại trên thế giới, gần một nửa nằm ở vườn quốc gia Yellowstone, Wyoming, Hoa Kỳ. Sự hoạt động phun trào của mạch nước phun có thể giảm dần thậm chí ngừng hẳn do các khoáng vật lắng đọng ở mạch phun theo thời gian, hoặc mạch nước phun thay đổi chức năng thành mạch nước nóng, bị ảnh hưởng của động đất và sự can thiệp của con người.[3]Sự phun trào thành tia, thường coi như những mạch nước phun, đã được quan sát thấy ở một số vệ tinh thuộc các hành tinh vòng ngoài của hệ Mặt Trời. Do áp suất của bầu khí quyển các vệ tinh thấp, những phun trào này chỉ chứa hơi mà không có chất lỏng; có thể quan sát thấy chúng dễ dàng do hơi phun ra có lẫn các hạt bụi và băng. Tia hơi nước đã được quan sát gần cực nam của vệ tinh Enceladus của Sao Thổ, trong khi sự phun trào nitrogen đã được phát hiện thấy trên vệ tinh Triton của Sao Hải Vương. Cũng có những dấu hiệu của phun trào cacbon điôxít ở mũ băng cực nam của Sao Hỏa. Trong hai trường hợp sau, thay vì nguyên nhân do năng lượng địa nhiệt, những phun trào này dường như dựa trên nhiệt lượng Mặt Trời thông quan hiệu ứng nhà kính trạng thái rắn.