Völkischer_Beobachter

Báo Völkischer Beobachter (phát âm [ˈfœlkɪʃɐ bəˈʔoːbaχtɐ]; tạm dịch: 'Người quan sát Nhân dân'; viết tắt: VB) là cơ quan ngôn luận của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (NSDAP) từ 1920 đến 1945.[1] Khác với các tờ báo dân sự khác, Völkischer Beobachter tự mô tả là một "Kampfblatt",[lower-alpha 2] với nội dung mang tính cổ động hơn là đem tin tức đến với độc giả. Do đó, văn phong và bố cục của VB thường được các nhà nghiên cứu đem ra so sánh với các tờ áp phích và được mô tả là "nói nhiều hơn viết".[2]Ban đầu, Völkischer Beobachter được phát hành tuần 2 lần, nhưng kể từ ngày 8 tháng 2 năm 1923 thì nó trở thành một tờ nhật báo. Tháng 11 năm 1923, sau khi Hitler bị bắt vì lãnh đạo cuộc đảo chính quán bia, tờ báo này bị cấm lưu hành. Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ vào tháng 2 năm 1925, Völkischer Beobachter phát triển về quy mô một cách nhanh chóng song song với những thành công mà Đảng Quốc Xã gặt hái được, qua đó trở thành một trong những tờ báo lớn nhất tại Đức. Với một số lượng độc giả lớn mạnh, Völkischer Beobachter được xem là một công cụ hữu hiệu trong bộ máy tuyên truyền của chế độ quốc xã.[3]