Trận_Eylau
Trận_Eylau

Trận_Eylau

Trận chiến Eylau là một trận đánh lớn trong cuộc Chiến tranh Liên minh thứ tư trong những cuộc chiến tranh của Napoléon, diễn ra từ ngày 7 cho đến ngày 8 tháng 2 năm 1807.[8] Trong trận chiến này, quân Pháp do đích thân Hoàng đế Napoléon Bonaparte thống lĩnh đã kịch chiến với liên quân Nga - Phổ do Tướng Levin August, Bá tước von Bennigsen và Tướng Anton Wilhelm von L'Estocq chỉ huy, với kết quả là chiến thắng kiểu Pyrros của Napoléon[2]. Tuy Napoléon I làm chủ bãi chiến trường, quân đội của ông chịu thiệt hại hết sức nặng nề mà không đạt được mục tiêu nào, có thể đòn chặn đứng nặng nề của liên quân Nga - Phổ tại Eylau cũng chính là trận đánh đầu tiên mà Napoléon và Đội quân vĩ đại của mình bị chặn đứng.[8][9][10][11][12] Với trận Eylau, lực lượng Quân đội Phổ đã giữ được niềm huy hoàng của mình.[13] Đây cũng trận đánh bất thành nhất của Napoléon I kể từ sau cuộc xâm lược Ai Cập.[14] Trận Eylau được xem là một chiến công của viên Sĩ quan Tham mưu Phổ là Gerhard von Scharnhorst, đập tan ý đồ chấm dứt nhanh gọn cuộc chiến tranh của Napoléon I.[15]Trong ngày đầu tiên của trận chiến, Bennigsen đóng quân ở đồng bằng phía Bắc Eylau trong khi Vương tước Pyotr Ivanovich Bagration chỉ huy quân Nga dồn dập tấn công quân Pháp, song quân Pháp chiếm đóng được thị trấn Preußisch Eylau ở ngay biên giới Đông Phổ. Ngày hôm sau (8 tháng 2), lực lượng Bộ binh Nga trong điều kiện khó khăn đã chiến đấu quyết liệt, và Pháo binh Nga đã quét tan quân Pháp. Ngay đến đơn vị của Thống chế Jean-de-Dieu Soult cũng bị đánh lui và chịu tổn thất rất nặng nề.[16] Tuyết phủ đầy trận địa, trong khi một cơn bão tuyết gây khó khăn cho cả hai đoàn quân. Giữa trận kịch chiến, những người lính Nga để một chiến ngại vật pháo binh tại Eylau, và Napoléon I - vốn dĩ chưa có chủ ý tiến công, liên tục bị đánh lui trong những bước tiến đầu tiên của ông. Quân Pháp lâm vào thảm họa, và bản thân Napoléon I cũng suýt nữa rơi vào tay của lính Nga.[16] Nhưng trong khi quân Nga thắng thế, tướng Joachim Murat tổ chức cuộc tấn công của Kỵ binh cứu vãn Napoléon I, đồng thời những Quân đoàn của Thống chế Michel NeyLouis Nicolas Davout trợ chiến.[17] Quân Nga gặp bất lợi, tuy nhiên, quân Phổ do tướng L'Estocq chỉ huy đã tiếp viện cho quân Nga, đánh bật quân Pháp của Davout về một vài ngôi làng.[4][8] Dưới sự chỉ huy của một vị tướng tài năng, những người lính Phổ đã chiến đấu ngoan cường.[16] Ney tiến công nhưng cũng không thành nên phải rút về.[18] Không bên nào có thể thắng được bên nào, và Napoléon I đã không thể tiêu diệt quân Nga. Tuy nhiên, do lo sợ quân Pháp sẽ được tăng viện nên Bennigsen ra lệnh triệt binh lúc nửa đêm, và Napoléon I đã giữ được bãi chiến trường phủ đầy băng giá, mà chỉ chất đầy thây tử sĩ đóng băng.[18][19][20]Trận đánh này cũng ghi dấu hiệu quả của các chiến binh Mamluk của Napoléon I.[21] Khác với đại thắng Austerlitz (1805), vận động bước ngoặt của quân Pháp trong trận Eylau đã thất bại.[22] Quân Pháp và quân Nga đều tuyên bố chiến thắng.[19] Trận đánh này đã đem lại thiệt hại rất lớn cho cả hai bên tham chiến (30.6% quân Pháp và 27.7% quân Nga[23]). Napoléon I phải hoảng hốt trước cảnh tượng này. Tuy nhiên, quân Pháp thê thảm hơn do phần lớn các đơn vị của họ đều bị hủy hoại; trận đánh còn thể hiện hỏa lực khủng khiếp của lực lượng Pháo binh Nga thời bấy giờ.[18] Đến cả những Tuyên cáo hùng hồn của Quân đội Pháp cũng không thể che giấu sự tàn khốc của trận đánh này.[14] Trong khi ấy, sự kiệt quệ của cả hai đoàn quân khiến cho họ không thể tổ chức những chiến dịch lớn trong vòng vài tháng sau đó. Quân sĩ Pháp trở nên đói khát, thiếu chu cấp.[20][24] Và, thảm kịch của Đội quân vĩ đại trong trận Eylau cũng có chút điểm đáng so sánh với thảm bại của Napoléon I trong cuộc xâm lăng nước Nga vào năm 1812.[20] Ngoài ra, một ý nghĩa của trận chiến đẫm máu này là tầm quan trọng của lực lượng Quân đội Phổ trong những cuộc chiến tranh của Napoléon: sự ứng chiến đúng lúc của họ đã cứu vãn Quân đội Nga khỏi thất bại.[4][8] Quân đội Phổ thời phong kiến cũ đã thể hiện bản lĩnh của mình ngay cả trong khó khăn, và lập nên chiến công ban đầu cho công cuộc hồi phục của họ kể từ sau trận Jena (1806).[13]