Phật_Thích-ca_Mâu-ni

Siddhārtha Gautama (tiếng Phạn: सिद्धार्थ गौतम, chữ Hán: 悉達多瞿曇, phiên âm Hán-Việt: Tất-đạt-đa Cồ-đàm) hay Gautama Buddha, còn được gọi là Phật Shakyamuni (tiếng Phạn: शाक्यमुनि, chữ Hán: 釋迦牟尼, phiên âm Hán-Việt: Thích-ca-mâu-ni, trong khẩu ngữ thường gọi tắt là Phật, Bụt, Phật Tổ hoặc chỉ đơn giản là Đức Phật), là một triết gia, nhà tu hành, nhà truyền giáo, nhà thuyết giảngđạo sư người Ấn Độ, người sáng lập nên Phật giáo. Ông sinh ra ở vùng đất mà ngày nay là Nepal, nhưng quãng cuộc đời quan trọng nhất sau đó của ông lại gắn liền với các khu vực mà ngày nay là Ấn Độ khi ông đi xuống phía Đông và phía Nam để sáng tạo và truyền bá đạo Phật trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ trong giai đoạn cổ đại từ giữa thế kỷ thứ 4 và 6 trước Công nguyên, ông luôn được tín đồ của đạo Phật trên khắp thế giới xem là người đầu tiên hoàn toàn giác ngộ để đạt đến niết bàn thành Phật.Theo các bộ kinh Phật giáo truyền lại cùng sử liệu thì ông vốn xuất thân là một vị Thái tử thuộc về Hoàng tộc Cồ-Đàm (Gautama) của Tiểu quốc Thích-ca (Shakya) ở vùng Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu). Tuy nhiên, ông đã sớm từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý ở nơi đấy để nhằm lên đường đi tìm chính đạo. Sau khoảng 6 năm tu đạo, ông đạt được giác ngộ tâm linh vào năm 35 tuổi và dành tiếp 45 năm còn lại trong cuộc đời mình cho việc truyền bá, giảng dạy các giáo lý Phật giáo ở khắp những khu vực phía Đông và Nam của tiểu lục địa Ấn Độ.[4][5] Tất-đạt-đa đề xướng con đường Trung đạo (Majihimāpaṭipadā) - tức vừa từ bỏ đời sống xa hoa nhưng cũng vừa không đi theo lối tu hành ép xác khổ hạnh vốn rất thịnh hành trong các học thuyết tôn giáo và tín ngưỡng Ấn Độ thời đó.[6] Những lời giáo pháp trong thời gian mà Đức Phật từng truyền bá ở Ấn Độ cũng đã đặt ra nền tảng quan trọng và to lớn cho sự hình thành và phát triển của những giáo lý đạo Phật ngày nay.[7][5]Tất-đạt-đa Cồ-đàm được các Phật tử coi là một bậc đạo sư đã đạt đến cảnh giới giác ngộ viên mãn và tự giải thoát bản thân hoàn toàn khỏi quy luật sinh tử luân hồi, hiểu rõ được sự vận hành của thế giới xung quanh, đồng thời truyền bá những kinh nghiệm triết lý, tu luyện và giác ngộ của mình cho người khác để họ có thể tự chấm dứt khổ đau của bản thân đồng thời đạt được "hạnh phúc tối thượng". Chi tiết về cuộc đời cùng sự nghiệp, những lời dạy và các giới luật của ông được nhiều thế hệ học trò ghi nhớ và tổng hợp lại sau khi Tất-đạt-đa Cồ-đàm tức Đức Phật qua đời. Hàng loạt những bản kinh ghi lại lời dạy của ông được lưu giữ qua truyền miệng nhiều thế hệ và dần bắt đầu được viết thành sách ở 200 năm sau đó.