Nhạc_phản_chiến_của_Trịnh_Công_Sơn

Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn bao gồm các tác phẩm của ông viết về cuộc Chiến tranh Việt Nam dưới các góc nhìn khác nhau. Nhạc phản chiến của ông bắt nguồn từ tình yêu thương, là những bài tự tình dân tộc, nói về thân phận khổ ải của con người trong chiến tranh.[1] Các ca từ trong các ca khúc phản chiến ca tụng tình yêu thương, chống bạo lực và chiến tranh, kêu gọi sự đoàn kết và xóa bỏ lòng hận thù. Các tác phẩm của ông chủ yếu được lưu truyền trong giới sinh viên, một vài bài hát bị chính phủ Việt Nam Cộng hòa và đa số bài hát bị chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cấm lưu hành.[2] Sau chiến tranh, một số tác phẩm được phép lưu hành ở Việt Nam, nhưng một số tác phẩm bị cấm lưu hành. Sau khi mất, năm 2004 ông được trao Giải thưởng âm nhạc hoà bình thế giới (WPMA).[3]Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác dạng nhạc này vào khoảng năm 1965- 1966. Năm 1966, ông cho ra đời tập Ca khúc Trịnh Công Sơn, trong đó có manh nha một xu hướng chính trị yếm thế. Đến năm 1967, nhạc Trịnh lên đến đỉnh cao của sự phản chiến bằng tập Ca khúc da vàng. Năm sau, ông cho ra tiếp tập Kinh Việt Nam. Từ năm 1970 tới 1972 ông tự ấn hành được hai tập nhạc phản chiến là Ta phải thấy mặt trời và Phụ khúc da vàng[4]. Bởi thế những ca khúc viết về quê hương chiến tranh và thân phận người dân nước nhược tiểu (nước nhỏ và bị những nước lớn gây ảnh hưởng) của Trịnh Công Sơn còn gọi là "nhạc da vàng".