1969-1973 Bệnh_Minamata

Sự thừa nhận chính thức của chính quyền

Cuối cùng thì vào ngày 26 tháng 9 năm 1968 – 12 năm sau sự phát hiện lần đầu tiên của căn bệnh (và 4 tháng sau khi Chisso ngừng sản xuất acetaldehyde có sử dụng thuỷ ngân xúc tác) – chính phủ đã ban hành một bản kết luận chính thức về nguyên nhân của bệnh Minamata:

"Bệnh Minamata là căn bệnh thuộc về hệ thần kinh trung ương, bị đầu độc bởi việc tiêu thụ lâu dài, và trên lượng lớn cá và nhuyễn thể ở Vịnh Minamata. Tác nhân gây độc là thuỷ ngân metyla (methyl thuỷ ngân). Thuỷ ngân metyla tạo ra từ xưởng axit acetic acetaldehyde của nhà máy Minamata của Shin Nihon Chisso đã được xả vào trong nước thải của nhà máy… Các bệnh nhân Minamata xuất hiện cuối cùng vào năm 1960, và cơn bùng phát đã chấm dứt. Việc này được nhận định là nhờ sự tiêu thụ cá và nhuyễn thể từ Vịnh Minamata đã bị cấm vào năm 1957, và thực tế là công ty đã đặt thiết bị xử lý chất thải vào tháng 1 năm 1960."

Kết luận trên có chứa rất nhiều các điểm sai sót: việc ăn cá và nhuyễn thể từ rất nhiều khu vực của biển Shiranui, chứ không phải chỉ có Vịnh Minamat, đều có thể dẫn tới căn bệnh; ăn một lượng nhỏ, hay lượng lớn cá bị bệnh trong một thời gian dài đều cho thấy những triệu chứng; và thực tế là cơn bùng phát chưa được dập tắt vào năm 1960 cũng như các thiết bị xử lý chất thải đã được lắp đặt vào tháng 1 năm 1960 đã không lọc được thuỷ ngân. Tuy nhiên, sự tuyên bố của chính quyền đã mang lại một cảm giác nguôi ngoai cho một số lớn các nạn nhân và gia đình họ. Nhiều người cảm thấy đã được chứng minh sau một thời gian dài đấu tranh để buộc Chisso phải gánh chịu trách nhiệm của mình khi đã gây ra căn bệnh, và họ đã thể hiện những lời cảm ơn khi cảnh ngộ của họ đã được nhìn nhận bởi những người cấp trên trong xã hội của họ. Cuộc chiến đấu giờ đây là tập trung vào làm tăng thêm số người đáng ra có thể được nhận bồi thường.

Đấu tranh để nhận được thoả hiệp mới

Dựa vào những thông tin đã được công bố của chính quyền, các bệnh nhân trong "Hội chung tay giúp đỡ" đã đứng lên yêu cầu một bản thoả hiệp bồi thường khác với Chisso và nộp yêu cầu của mình vào ngày 6 tháng 10. Công ty đã trả lời lại rằng điều đó là rất khó để có thể đánh giá thế nào là khoản bồi thường hợp lý và yêu cầu chính phủ thành lập một uỷ ban phân xử để quyết định. Lời đề nghị này đã chia rẽ các thành viên trong đoàn thể của Hội những người bệnh nhân, rất nhiều người trong số họ đã vô cùng lo lắng khi phải đặt số phận của họ vào một bên thứ ba, điều mà họ đã làm suốt từ năm 1959 đến giờ và kết quả đạt được rất là rất đáng buồn. Khi cuộc họp được diễn ra vào ngày 5 tháng 4 năm 1969, những ý kiến trái ngược nhau trong đoàn thể hội đã không thể đi đến thống nhất và tổ chức bị tách ra thành nhóm thoả hiệp (gồm những người đồng ý chấp nhận thành lập uỷ ban phân xử) và nhóm tố tụng (gồm những người quyết định sẽ kiện nhà máy). Mùa hè năm đó, Chisso đã gửi quà tới các gia đình nạn nhân đã chọn việc phân xử thay vì đi kiện.

Một uỷ ban phân xử đã được thành lập đúng hẹn bởi Bộ y tế và phúc lợi vào ngày 25 tháng 4, nhưng mà phải mất gần 1 năm để họ có thể vẽ ra bản nháp cho kế hoạch bồi thường. Một bài báo đã hé lộ vào tháng 3 năm 1970 rằng uỷ ban phân xử sẽ yêu cầu Chisso chỉ phải trả 2 triệu yên (5,600 đô la Mỹ) cho các nạn nhân đã chết và từ 140,000 cho đến 200,000 yên (390 đến 560 đô la Mỹ) hàng năm cho các bệnh nhân còn sống. Nhóm phân xử đã vô cùng chán nản khi nhìn thấy những con số đề nghị đó. Các bệnh nhân và những người ủng hộ của nhóm kiện tụng đã cùng nhau làm đơn thỉnh cầu uỷ ban cho một sự thoả thuận công bằng hơn. Uỷ ban phân xử tuyên bố kế hoạch bồi thường của họ vào ngày 25 tháng 5 trong một phiên họp náo loạn ở Bộ y tế và phúc lợi tại Tokyo. Mười ba người phản kháng đã bị bắt. Thay vì chấp nhận bản thoả hiệp như họ đã hứa, nhóm thoả hiệp đã yêu cầu đòi tăng sự trợ cấp. Uỷ ban phân xử buộc phải thay đổi kế hoạch của họ và các bệnh nhân đã ngồi chờ bên trong toà nhà của bộ trong suốt 2 ngày khi họ làm việc. Sự thoả thuận cuối cùng đã được ký kết vào ngày 27. Khoản bồi thường cho những người đã chết được tăng từ 1.7 triệu yên lên 4 triệu yên (4,700 đô la Mỹ lên 11,100), một khoản tiền trả một lần từ 1 triệu cho đến 4.2 triệu yên ($2,760 đến $11,660) và khoản bồi thường hàng năm dao động trong khoảng 170,000 và 380,000 ($470 đến $1,100) cho những người còn sống. Trong ngày ký kết, hội đồng của Nhân dân thành phố Minamata đã tiến hành phản đối bên ngoài các cánh cổng của nhà máy Minamata.

Nhóm tố tụng, đại diện cho 41 người bệnh đã nhận được chứng chỉ (17 người trong số đó đã chết) trong 28 hộ gia đình, đã đưa đơn kiện chống lại Chisso tới toà án tỉnh Kumamoto vào ngày 14 tháng 6 năm 1969. Người đứng đầu trong nhóm, ông Eizō Watanabe (người thủ lĩnh trước kia của Hội chung tay giúp đỡ), đã tuyên bố "Ngày hôm nay, và từ nay trở đi, chúng ta sẽ chiến đấu chống lại quyền lực của nhà nước." Họ, những người đã quyết định kiện công ty, đã phải chịu những áp lực vô cùng lớn để từ bỏ vụ kiện của mình. Một người phụ nữ trong số họ đã nhận được một cuộc đích thân viếng thăm bởi ban điều hành của Chisso và bị quấy nhiễu bởi những người láng giềng của bà. Bà đã bị mọi người phớt lờ, chiếc thuyền đánh cá của gia đình bà cũng bị tự ý sử dụng, lưới đánh cá cũng bị cắt, và bà đã bị ném phân vào người trên đường phố.

Nhóm tố tụng và những luật sư của họ đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ một mạng lưới thông tin toàn quốc gồm các nhóm công dân đã nổi lên trong toàn quốc từ năm 1969. Hội liên hiệp để buộc tội [những bên phải chịu trách nhiệm cho] căn bệnh Minamata (水俣病を告発する会 Minamata-byō o Kokuhatsu Suru Kai?) đã được dùng làm phương tiện để gia tăng nhận thức và gây quỹ cho vụ kiện. Riêng nhóm Kumamoto đã giúp đỡ rất nhiều cho vụ kiện. Vào tháng 9 năm 1969, họ lập ra một Nhóm nghiên cứu cho vụ kiện, bao gồm các giáo sư luật, các nhà khoa học y tế (trong đó có Masazumi Harada), các nhà xã hội học và thậm chí nhà thơ nội trợ Michiko Ishimure để cung cấp những tài liệu quan trọng tới các luật sư để chứng minh cho những luận điểm của họ. Và thực sự, bản báo cáo của họ, mang tên Trách nhiệm mang tính tập thể cho căn bệnh Minamata: Những hành động phạm pháp của Chisso, đã được xuất bản vào tháng 8 năm 1970, làm nền tảng cho thắng lợi cuối cùng của vụ kiện.

Việc xét xử diễn ra gần 4 năm. Các luật sư của nhóm tố tụng đã tìm cách chứng minh sự cẩu thả mang tính tập thể của Chisso. Ba luận điểm pháp lý chính cần phải được vượt qua để có thể thắng được vụ kiện. Thứ nhất, các luật sư phải chỉ ra được rằng thuỷ ngân metyla đã gây ra căn bệnh Minamata và rằng các xí nghiệp của nhà máy là nguồn gốc gây ra ô nhiễm. Các nghiên cứu tổng quát của trường đại học Kumamoto và kết luận của chính phủ đã chứng tỏ rằng điểm này có thể được chứng minh một cách khá dễ dàng. Thứ nhì, công ty đã có thể, và đã nên nhận định trước được những ảnh hưởng của nước thải của mình? Và họ đã nên tiến hành các bước để ngăn chặn thảm hoạ đó (hay nói cách khác, công ty đã có cẩu thả trong việc thực hiện trách nhiệm quan tâm đúng mức phần vụ của mình (duty of care))? Và thứ ba, các thoả hiệp về "khoản tiền thông cảm" từ năm 1959, dùng để ngăn cấm các bệnh nhân đòi thêm bất kì các khoản bồi thường khác, có là một hợp đồng giao kèo hợp pháp?

Phiên toà đã lắng nghe những bệnh nhân và người nhà của họ, nhưng những lời khai quan trọng nhất lại được đưa ra từ chính ban điều hành và nhân viên của Chisso. Lời khai gay cấn nhất được đưa ra từ Hajime Hosokawa, người đã phát biểu vào ngày 4 tháng 7 năm 1970 từ chính giường bệnh của mình nơi ông đang chết dần vì căn bệnh ung thư. Ông đã trình bày các thí nghiệm của mình với mèo, trong đó có "chú mèo 400" bị mắc bệnh phát bệnh Minamata sau khi bị cho ăn thức ăn có chứa chất thải của nhà máy. Ông cũng đã nói về sự phản đối của ông đối với việc thay đổi đường ống dẫn thải vào năm 1958 từ vịnh Hyakken tới sông Minamata. Lời khai của ông được xác minh thêm từ cộng sự của mình, người đã trình bày các cán bộ của công ty đã bắt họ phải dừng thí nghiệm về mèo lại vào mùa thu năm 1959 như thế nào. Hajime Hosokawa đã chết 3 tháng sau khi ông đưa ra lời khai của mình. Người quản lý xí nghiệp trước đó, Eiichi Nishida cũng đã xác nhận là công ty đã đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn, và kết quả là một điều kiện làm việc vô cùng nguy hiểm cùng với sự thiếu cẩn thận đối với thủy ngân. Chủ tịch tiền nhiệm của Chisso, Kiichi Yoshioka đã xác nhận là công ty đã quảng cáo cho một giả thiết về các vụ nổ bomb được thả xuống từ thời đế chiến thứ 2, mặc dù họ biết là điều đó là thiếu cơ sở.

Lời phán quyết đã được đưa ra vào ngày 20 tháng 3 năm 1973 thể hiện sự chiến thắng trọn vẹn của những bệnh nhân và nhóm tố tụng:

"Nhà máy của bên bị cáo là một nhà máy hoá học đứng đầu với những công nghệ tiên tiến nhất và … đáng nhẽ phải đảm bảo được sự an toàn của nước thải của họ. Bên bị cáo đã có thể phòng ngừa được sự xảy ra của căn bệnh Minamata hoặc chí ít đã có thể kiềm chế được căn bệnh đó ở mức thấp nhất. Chúng tôi không thể thấy bên bị cáo đã có bất cứ hành động xử lý nào thể hiện điều trên cả. Căn cứ cho rằng bên bị cáo đã quá bất cẩn từ đầu cho tới cuối trong việc xả nước thải từ nhà máy acetaldehyde của mình đã được chứng minh rõ ràng. Bị cáo không thể thoát khỏi trách nhiệm pháp lý của mình về sự bất cẩn đó."

Khoản giao kèo số "tiền thông cảm" đã được chứng minh là không có giá trị và bên Chisso đã bị yêu cầu phải trả số khoản tiền một lần là 18 triệu yên ($66,000) cho từng bệnh nhân đã qua đời và 16 triệu tới 18 triệu yên ($59,000 đến $66,000) cho từng bệnh nhân sống sót. Tổng khoản tiền bồi thường lên đến 937 triệu yên (3.4 triệu đô la Mỹ) và trở thành số tiền lớn nhất đã từng được quyết định bởi một toà án của Nhật Bản.

Cuộc đấu tranh của các bệnh nhân chưa được chứng nhận để được xác nhận

Trong khi các cuộc đấu tranh của các nhóm thoả hiệp và nhóm tố tụng đang diễn ra, thì một nhóm mới gồm những người mắc bệnh Minamata đã xuất hiện. Để được nhận tiền bồi thường theo như thoả hiệp ký kết từ năm 1959, các bệnh nhân phải được thừa nhận bởi một vài các uỷ ban chứng nhận đặc biệt, dựa theo những triệu chứng của họ. Tuy nhiên, đã có một sự ra tay để hạn chế gánh nặng pháp lý và kinh tế lên công ty, những uỷ ban này đã căn cứ theo những cách hiểu chặt chẽ của bệnh Minamata. Họ yêu cầu bệnh nhân phải có tất cả những triệu chứng của hội chứng Hunter-Rusell – một chuẩn mực để chẩn đoán nhiễm độc thuỷ ngân vào thời gian đó – mà xuất phát từ một tai nạn công nghiệp ở Anh vào năm 1940. Các uỷ ban chỉ xác nhận cho các bệnh nhân thể hiện những triệu chứng đặc biệt của hội chứng xuất phát từ nước Anh, thay vì dựa vào những chẩn đoán của căn bệnh tại Nhật Bản. Điều này đã dẫn tới nhiều người bị từ chối ở các uỷ ban, khiến họ vô cùng bối rối và bất mãn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bệnh_Minamata http://www.amazon.com/Toxic-Archipelago-Industrial... http://www.icd9data.com/getICD9Code.ashx?icd9=985.... http://www.masters-of-photography.com/S/smith/smit... http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1440-... http://ias.umn.edu/2010/09/16/toxic-archipelago-br... http://www.umn.edu/ships/ethics/minamata.htm http://www.unu.edu/unupress/unupbooks/uu35ie/uu35i... http://www.unu.edu/unupress/unupbooks/uu35ie/uu35i... http://www.atsdr.cdc.gov/tfacts46.html http://www.who.int/classifications/apps/icd/icd10o...