Enûma_Eliš
Enûma_Eliš

Enûma_Eliš

Enûma Eliš ( Chữ hình nêm Akkad: 𒂊𒉡𒈠𒂊𒇺, cũng được đánh vần là "Enuma Elish"), là truyền thuyết sáng thế của người Babylon (được đặt tên theo từ mở đầu tác phẩm). Nó đã được Austen Henry Layard phát hiện vào năm 1849 (ở dạng các mảnh vỡ) trong tàn tích Thư viện của Ashurbanipal tại Nineveh (Mosul, Iraq ngày nay). Bản phục dựng đầu tiên được George Smith xuất bản vào năm 1876; nhờ vào việc mở rộng nghiên cứu và khai quật sau đó, các đoạn văn bản gần như đã được phục hồi và phiên dịch hoàn chỉnh. Enûma Eliš dài khoảng một nghìn dòng và được ghi bằng tiếng Babylon cổ trên bảy phiến đất sét, mỗi phiến chứa từ 115 đến 170 dòng chữ hình nêm Sumer-Akkad. Phần lớn phiến V đã bị mất, nhưng ngoài lacuna (khoảng trống) này, văn bản gần như hoàn chỉnh.Sử thi là một trong những nguồn quan trọng nhất để tìm hiểu thế giới quan Babylon. Nó mô tả sự sáng tạo ra thế giới, một trận chiến giữa các vị thần và sự xác lập uy quyền tối cao của Marduk, sau đó con người được tạo ra để phục vụ các vị thần Lưỡng Hà và kết thúc bằng một đoạn dài ca ngợi Marduk. Không rõ mục đích ban đầu của nó là gì, mặc dù có thể biết rằng một phiên bản đã được sử dụng cho một số lễ hội nhất định. Sử thi cũng có thế mang màu sắc chính trị, nhằm thể hiện tính chính danh hoặc tính ưu việt của Lưỡng Hà so với Assyria. Một số phiên bản sau này thay thế Marduk bằng vị thần chính của người Assyria là Ashur.Enûma Eliš tồn tại trong các bản sao khác nhau từ Babylon và Assyria. Phiên bản từ Thư viện Ashurbanipal có từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên. Việc biên soạn Enûma Eliš có lẽ được bắt đầu từ cuối thiên niên kỷ 2 trước Công nguyên, hoặc thậm chí sớm hơn, vào thời của Hammurabi trong Thời kỳ Babylon cổ đại (k. 1900 - k. 1600 TCN). Một số yếu tố của huyền thoại được chứng thực bằng các hình minh họa có niên đại ít nhất là vào thời kỳ Kassite (khoảng thế kỷ 18 đến 16 trước Công nguyên).