Văn_minh_cổ_Babylon

Văn minh cổ Babylon là một vùng văn hóa cổ ở trung tâm phía nam Lưỡng Hà (ngày nay là Iraq), với thủ đô là Babylon. Nền văn minh này xuất hiện khi Hammurabi thành lập đế chế tách khỏi lãnh thổ của đế chế Akkadia trước đó. Người Babylon thời cổ đã giữ lại tiếng Akkad và xem là ngôn ngữ chính thức, mặc dù những người Amorites - kẻ sáng lập ra nền văn minh này, không phải là người Akkad bản địa. Các phong tục văn hóa truyền thống của người Sumer được giữ lại, kế thừa và dần dần đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa nền văn minh này trở thành một trung tâm quan trọng, không những với người Babylon mà còn đối với cả thế giới thời kỳ đó. Các tài liệu đầu tiên có viết về thành phố này được các nhà khảo cổ học phát hiện trong một di tích (không rõ di tích nào) có từ thời Sargon xứ Akkad, khoảng thế kỷ XXIII TCN. Babylon lúc đó đơn thuần chỉ là một trung tâm văn hóa, tôn giáo, chứ chưa phải là một nhà nước độc lập. Khi Đế chế Akkad đã thống nhất vùng đất này, Babylon thực chất là vùng bán độc lập, giành được quyền tự trị tạm thời. Dưới sự thống trị của Akkad, Gutian và đế quốc Ur (triều đại III), người dân Babylon đã nhiều lần khởi nghĩa chống lại người ngoại tộc, và cuối cùng năm 1894, người Amorites, một nhánh của tộc người Semites đã đánh bại ngoại tộc, giành thắng lợi và thành lập nhà nước Babylon rộng lớn ở khắp miền Nam Lưỡng Hà. Trong thời gian vương quốc Babylon ra đời, người Assyria ở phía bắc (thượng du sông Tigris) dưới sự lãnh đạo của Erishum cũng giành được độc lập và thành lập vương quốc Assyria (1905 TCN) với đô thành đầu tiên, thành Ashur. Sau khi Assyria thành lập ít lâu, các quốc gia khác của người Amorites cũng nối tiếp nhau thành lập như Isin, Larsa sau sự kiện Shamshi-Adad I (1813 - 1791 TCN) cướp ngôi vua trước đó (1813 TCN) và thành lập đế chế khá ngắn ngủi. Triều đại đầu tiên của người Amorites đã xây dựng thành phố Babylon, nơi mà sau này trở thành đế quốc Cổ Babylon, một trong những đế quốc cổ nhất trong lịch sử thế giới.