Bạch_Vân_quốc_ngữ_thi_tập

Bạch Vân quốc ngữ thi tập (Hán Nôm: 白雲國語詩集 (Bạch Vân quốc ngữ thi tập)) là tên gọi phổ biến nhất được dùng để đặt cho tuyển tập thơ viết bằng chữ Nôm của Trình quốc công (程國公) Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙),[1] là một nhà thơ lớn đồng thời là một chính khách nhiều ảnh hưởng sống thời Lê-Mạc phân tranh (cũng được gọi là thời kỳ Nam-Bắc triều) của lịch sử Việt Nam thế kỷ 16. Tên gọi “Bạch Vân” có nguồn gốc từ danh xưng “Bạch Vân am cư sĩ” (白雲庵居士) của Nguyễn Bỉnh Khiêm (tên huý của ông là Nguyễn Văn Đạt). Tác phẩm được đánh giá là một sự kế thừa và tiếp nối xứng đáng tuyển tập thơ Nôm “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi ở nửa đầu thế kỷ 15, đồng thời đánh dấu một bước phát triển mới trên hành trình hoàn thiện mình của văn học viết Việt Nam. Hai tuyển tập thơ “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” (chữ Nôm) và “Bạch Vân am thi tập” (chữ Hán) của ông được coi là một thành tựu lớn của thơ văn trung đại Việt Nam, mở đầu cho một dòng thơ văn giàu tính triết lý, tư duy lý trí - thế sự, bước đầu chạm chân vào hiện thực, đã mô tả xã hội dưới góc nhìn đời tư và đời thường, và là một cống hiến lớn của văn học thời Mạc đối với tiến trình phát triển và hoàn thiện của văn học dân tộc.Nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Khiêu trong bài viết “Kỷ niệm 400 năm ngày mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Những vấn đề khoa học trong nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm” (1985) đã có đánh giá mang tính tổng kết về những đóng góp quan trọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong dòng chảy của lịch sử thơ văn quốc ngữ: “...Trước hết, phải thấy rằng suốt bao nhiêu thế kỷ học chữ Hán và làm thơ bằng chữ Hán, các nhà trí thức Việt Nam trước những khó khăn về ngôn từ và thể loại đã lẩn tránh việc cố gắng làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ. Trước sự sáng tạo của Nguyễn Thuyên, sự quan tâm đặc biệt của Nguyễn Trãi, thành quả bước đầu của Lê Thánh Tôngnhóm Tao Đàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã suốt cuộc đời dành bao tâm huyết để làm thơ bằng tiếng Việt. Không chỉ nói với đồng bào mình những điều muốn nói. Ông cũng như Nguyễn Trãi đã đem hết nhiệt tình xây dựng nền văn học dân tộc mà lòng yêu nước và óc tự cường đã hằng ngày thôi thúc các ông. Với một di sản lớn lao mà ông để lại, thơ Nôm của ông đã đánh dấu một chặng đường quang vinh trong lịch sử văn học Việt Nam. Thơ văn ông vừa mang những nét mộc mạc và rắn chắc của thơ Nguyễn Trãi, vừa tiếp thu truyền thống trau chuốt và nhuần nhuyễn của thơ Lê Thánh Tông và nhóm Tao Đàn. Thơ của ông chính là sự chuẩn bị cần thiết cho sự phát triển rực rỡ của thơ Nôm thế kỷ XVIII.”Trong khi tuyển tập bằng chữ Hán Bạch Vân am thi tập (白雲庵詩集, hiểu theo nghĩa nôm na là “tập thơ viết từ am Mây Trắng”) được chính tác giả đặt tên cho, rồi tiêu đề từng bài cũng như lời tựa thì phần lớn bài thơ trong tuyển tập bằng chữ Nôm này do người đời sau chọn lọc, biên soạn và đặt nhan đề cho từng bài. Một ví dụ nổi bật là bài thơ chữ Nôm có nhan đề “Nhàn” (hoặc “Cảnh nhàn”) được đưa vào chương trình giảng dạy môn ngữ văn cấp phổ thông ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhan đề của bài thơ vốn không phải do Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt mà bởi những người biên soạn sau này.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bạch_Vân_quốc_ngữ_thi_tập http://vanhaiphong.com/ly-luan-phe-binh/2331-2015-... http://vanhaiphong.com/sang-tac-tre/2468-2016-01-0... http://phiatruoc.info/ban-ve-chu%CC%83-nhan-nguye%... http://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-B%E1%BB%89nh... http://www.tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c329/n19... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op... http://ios.vass.gov.vn/noidung/tapchi/Documents/Ba... https://web.archive.org/web/20160307204300/http://...