Đồng_(họ)
Đồng_(họ)

Đồng_(họ)

Họ Đồng (同) là một họ của người Việt Nam. Hiện nhiều dòng họ Đồng (同) ở Việt Nam theo truyền miệng rằng, nguồn gốc dòng họ là họ Tư Mã (chữ Hán: 司馬) có nguồn gốc từ Trung Quốc, do biến động lịch sử phải đổi họ, vì thế phải thêm nét sổ và đổi thành họ Đồng (chữ Hán: 同). Có thể giả thiết như vậy dựa trên căn cứ các cuốn gia phả gốc ở các nhánh họ miền Bắc họ Đồng (同) ở Việt Nam nhiều ở các tỉnh Hải Dương (Nam Sách, Chí Linh, Thanh Hà, Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kinh Môn...), Hải Phòng (Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão, Dương Kinh, Tiên Lãng), Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội (Đông Anh, chùa Hương), Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…Ở Việt Nam, có nhiều dòng họ Đồng không còn gia phả chữ Hán đối chứng, nên mới biết các nhánh họ Đồng Sỹ ở Huế, họ Đồng Lạng Sơn, họ Đồng Bắc Cạn mang họ Đồng (童). Theo nhà nghiên cứu Đồng Thị Hồng Hoàn: Ở Trung quốc và Việt Nam tồn tại hai nhánh họ Đồng có chữ Hán khác nhau, họ Đồng(童) ở Trung Quốc xếp thứ 142 [1] các dòng họ của Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam lại khá ít họ Đồng này mà chủ yếu là họ Đồng (同) là một họ đông hơn của người Việt Nam.Tuy nhiên, theo sách "Họ Đồng Việt Nam tập 1 " thì chưa có sơ sở để khẳng định Họ Đồng Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chữ Tư thêm nét sổ thành chữ Đồng. Điều này chỉ có một số gia phả các nhánh họ Đồng truyền lại nhưng cũng chỉ có gần 400 năm nay.Theo ông Đồng Văn Đạo,Nguyên Chủ tịch UBND Huyện Tân Yên, Nguyên Ủy viên Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Bắc. Có hai loại ý kiến:1- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Họ Đồng có nguồn gốc là họ Tư Mã ở Trung Quốc, trong đó:- Ý kiến thứ nhất cho rằng “gốc gác từ 3 anh em Tư Mã Lượng do phe cánh bố bị thất thế trong cuộc tranh giành quyền lực ở triều đình mà con cái phải chạy trốn sang vùng núi huyện Tư Nông – Thái Nguyên từ thế kỷ thứ 9 sau công nguyên (Thời Bắc thuộc) Giả thuyết này cần phải suy nghĩ là: Loạn bát vương thời Tấn vào khoảng năm 397 vậy mà đến thế kỷ thứ 9, giả định năm đó là 807 (thuộc nhà Đường) thì khoảng cách 2 thời kỳ là 410 năm. Chuyện ân oán trong gia đình khi đã không còn quyền lực, trải qua 400 năm mà vẫn phải chạy sang Việt Nam, liệu có phải sự thật không? Họ Tư Mã ở Trung Quốc sẽ nghĩ gì khi ta công bố sự kiện này- Ý kiến thứ hai cho là: “Người con thứ của Tư Mã Thiên chạy nạn giặc Mông Cổ đến định cư tại đất Hải Dương”. Ý kiến này có dẫn chứng thái hậu họ Tống chạy giặc được thờ dọc các tỉnh ven biển Việt Nam. Giả thuyết này cũng có điều phải suy nghĩ là: Vua Tống và Hoàng hậu nhà Tống mới là đối tượng truy tìm của giặc Mông Cổ, còn họ Tư Mã thời đó chỉ là dân thường, nếu giặc Mông cũng truy đuổi thì toàn dân Trung Quốc sẽ chạy đi đâu? Đó là chưa kể chuyện con Tư Mã Thiên sống trước thời Nguyên trên 1000 năm (145 – 86TCN)- Ý kiến thứ ba: Gia phả họ Đồng ở Nghệ An chép rằng: “Thời Minh người họ Tư Mã di tản bằng đường thuyền sang Việt Nam, một ở Thanh Hóa, một ở Nghệ An, một ở Hải Dương” Giả thuyết này cũng có điều phải suy nghĩ là đối với nhà Minh có từ năm 1368 đến 1644 nhưng cụ Tổ sư Pháp loa Đồng Kiên Cương ở Hải Dương thì đã sinh 1284, tức là trước thời kỳ có nhà Minh 76 năm.- Theo Gia phả họ Đồng Đại Hợp, huyện Kiến Thụy: " Tổ tiên họ Đồng có nguồn gốc từ họ Tư ở Trung Quốc, vì thế có một nhánh nhỏ ở đây có người giỏi chữ Hán, sau khi đọc giả phả gốc, biết con cháu có gốc họ Tư, vì thế đã tự động làm giấy khai sinh và chuyển thành họ Tư được vài đời, tuy nhiên vào ngày giỗ Tổ ở Đại từ đường dòng họ Đồng, con cháu họ Tư- Đồng vẫn tham gia giỗ tổ dòng họ Đồng thôn Đại Lộc, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng.- Gia phả họ Đồng, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội hiện nay là gia phả cổ nhất còn tìm thấy được, được viết bằng chữ Hán năm 1628, bổ sung hoàn thành năm 1678, có ghi 1 đoạn nói về họ Đồng Mã (gốc họ Tư)[2] như sau:"…同 族 世 譜. 序. 却 說, 家 之 有 譜,猶 国 之 百 史, 史 以 记 政 事 得 失,譜 以 记 世 次 先 後 甚 矣 譜 之 不 可 無 也 我 同 族 一 今 族 也.相 傳 其 先 中 國 人 同 馬 氏 不 知 何 緣 故 一人 適 本 国 海 陽 鎮, 南 间 社 居 焉 司 字 加 一 畫 為 同 字,至 中 間 二 人 適 乂 安 縝 一 居 石 何 社 一 居 瓊 流 社, 厥 後 一 人適 居 清 化 鎮, 廣 昌 縣 芙 留 礼 名 同 如 鴻 景 興 稹 仕 至 郡 公 …"Phiên âm:"...Đồng tộc thế phả. Tựa: Khước thuyết, gia chi hữu phả, do quốc chi bách sử, sử dĩ ký chính sự đắc thất, phả dĩ ký chế thứ tiên hậu thậm hỹ phả chi bất khả vô dã ngã đồng tộc nhất kim tộc dã. Tương truyền kỳ tiên Trung Quốc nhân Đồng Mã thị bất tri hà duyên cố nhất nhập thích bản quốc, Hải Dương trấn, Nam Gián xã, cư yên Tư tự gia nhất họa vị Đồng tự. Chí trung gian nhị nhân thích Nghệ An trấn, nhất cư Thạch Hà xã, nhất cư Quỳnh Lưu xã, quyết hậu nhất nhân thích cư Thanh Hóa trấn, Quảng Xương huyện, phù lưu lễ danh Đồng Như Hồng thời Cảnh Hưng là Chí sỹ quận công..."Tạm dịch:"...Nhà có gia phả, còn nước thì có sử. Sử ghi lại các việc lớn của đất nước. Gia phả ghi từng đời theo trước sau. Gia phả không thể không ghi lại một cách rõ ràng cụ thể. Gia phả họ Đồng, tương truyền rằng trước đây Tổ tiên là người Trung Quốc - họ Đồng Mã, nhưng không truyền tại duyên cớ gì sang bản quốc cư trú tại xã Nam Gián[3], trấn Hải Dương; Họ là từ chữ Tư (司) rồi thêm một nét xổ thành chữ Đồng (同).Thời gian sau, có 2 vị từ Hải Dương đến trấn Nghệ An[4], một người ở xã Thạch Hà, một người đến cư trú tại xã Quỳnh Lưu. Sau đó, một người đến cư trú ở Phù Lưu, huyện Quảng Xương, trấn Thanh Hóa, lấy danh là Đồng Như Hồng- vào triều Cảnh Hưng[5] (TK XVIII) là chí sỹ quận công..."Như vậy, có thể khẳng định được họ Đồng ở Cổ Loa có nguồn gốc từ họ Tư Mã và Tổ họ Đồng Mã Việt Nam phát tích từ trấn Hải Dương (nay cụ thể là Triền Dương, Cổ Thành), Chí Linh), rồi hậu duệ các cụ đi các tỉnh như Hà Nội (Đông Anh), Thanh Hóa và các tỉnh khác.Trước khi phát hiện về "Gia phả họ Đồng Cổ Loa, Đông Anh", thì theo nghiên cứu của TS. Đồng Xuân Thành và gia phả Gia tộc Đồng Xuân Phái ở Đông Anh Hà Nội, thì họ Đồng là gốc Tư Mã Lượng, sang Việt Nam từ thời nhà Tấn- lập nghiệp đầu tiên tại đất Tư Nông (Thái Nguyên ngày nay), sau đó di chuyển xuống Đông Anh, Hà Nội, rồi xuống xứ Hải Dương vùng Chí Linh, Nam Sách và Kim Thành sau đó cứ ven biển ra đi lập nghiệp tại các địa phương vùng biển Việt Nam.- Theo sưu tầm của bà Đồng Thị Hồng Hoàn, bản dịch của tác giả Huỳnh Chương Hưng về bài viết Vì tránh họa mà đổi họ của hai tác giả nổi tiếng về nghiên cứu Văn hóa - lịch sử Trung Hoa là Trương Tráng Niên (张壮年) – Trương Dĩnh Chấn (张颖震) trong tạp chí "Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã", năm 2005, có đoạn như sau:Sử học gia nổi tiếng thời Tây HánTư Mã Thiên (司马迁) (145 TCN86 TCN) vì bị liên luỵ trong vụ án Lý Lăng (李陵) nên phải chịu cung hình.Để bảo toàn gia tộc, phải báo quan là không có con trai nối dõi, vì thế 2 người con trai của ông buộc phải đổi họ.Người con trưởng là Tư Mã Lâm (司马临) từ họ phức là Tư Mã (司马) đã lấy chữ Mã (马) đồng thời thêm 2 chấm bên trái đổi thành họ Phùng (冯).Người con thứ là Tư Mã Quan (司马观) từ họ phức Tư Mã (司马) lấy chữ Tư (司) đồng thời thêm một nét sổ bên trái chữ Tư đổi thành họ Đồng (同), nhưng 2 dòng họ này vẫn nhớ đến dòng họ gốc Tư Mã(chữ Hán: 司马) của mình.Hiện nay tại thôn Trại Từ Long Môn (寨徐龙门) thuộc Hàn Thành (韩城) Thiểm Tây (陕西) quê hương của Tư Mã Thiên tuy không còn họ Tư Mã, nhưng người họ Phùng (冯), họ Đồng (同) rất đông, họ đều là con cháu đời sau của Tư Mã Thiên. Cả ngàn năm nay, hai họ Phùng và Đồng vì cùng tế chung một ông tổ nên không bao giờ thông hôn, vì họ đều là người một nhà...."- Ý kiến thứ tư cho rằng: “Họ Tư Mã làm quan đô hộ ở Việt Nam, sau khi chế độ bị lật đổ, các cụ ở lại và chuyển sang thành họ Đồng” Tôi đã lần tìm danh sách những quan cai trị người Trung Quốc ở Việt Nam thời Bắc thuộc từ năm 111TCN đến năm 905, không thấy ai là người họ Tư Mã cả, nhất là thời nhà Tấn (264-419) có 27 cai trị nhưng không có ai là họ Tư Mã.-Ý kiến thứ năm: Có ý kiến “Văn tế của họ Đồng ở Trực Khang có câu: Tiên tổ tích do Đông Hải… và cho là Đông Hải thuộc Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc Giả thuyết này cần được nghiên cứu là ở Đông Hải, Giang Tô từ trước tới nay có họ Tư Mã và họ Đồng sinh sống không? Suy nghĩ của cá nhân tôi như sau: Chữ Đông Hải trong văn tế, phải chăng là chữ Hải Đông nói ngược không? Bởi theo quy luật bằng trắc trong văn tế, không thể viết “Tích do Hải Đông, phái dẫn Nam Giang”. Trường hợp này trong văn tế và câu đối tôi đã gặp một số trường hợp, ví dụ câu đối ở Đình Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, Bắc Giang thờ Đề Nắm, trong đó một vế viết: “Miếu vũ trùng tu hương hỏa huy hoàng Giang Bắc Địa”, đáng lẽ viết đúng là Bắc Giang địa, nhưng vì luật bằng trắc nên đã viết là Giang Bắc địa, cho nên theo tôi chữ Đông Hải trong văn tế, là “Hải đông” viết ngược là tỉnh Hải Dương cũ (thời Trần)2 – Loại ý kiến thứ 2: Gia phả họ Đồng ở làng Trà Đình, xã Quế Phú huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam có đoạn viết “ngã môn Đồng phúc tộc, triệu tổ Đông Phước ninh công, danh tự Hồng thọ, tích Hải Dương, Dương tuyền bộ, văn lang quốc…” (dịch nghĩa: cụ Tổ Đồng Phước, Ninh tên tự là Hồng Thọ, gốc người tỉnh Hải Dương, bộ Dương tuyền nước Văn Lang). Nếu tư liệu này là đúng thì họ Đồng có từ thời nước Văn Lang, tức là từ thời các vua Hùng, thuộc bộ Dương Tuyền là một trong 15 bộ của nước Văn Lang lúc đó. Đây cũng là một nguồn chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu.Theo TS. Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập TC Môi trường và Đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam, từ hàng nghìn năm nay, do những đặc điểm lịch sử - văn hóa, các thế hệ bà con, anh em họ Đồng ở Việt Nam, dù có hay không mối quan hệ huyết thống trực hệ, dù chưa tìm ra nguồn gốc xuất xứ ban đầu, nhưng đã kề vai sát cánh cùng bách gia trăm họ trong toàn quốc để chung sức, chung tay trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của quốc gia dân tộc. Từ thời còn chế độ phong kiến, họ Đồng ở Việt Nam đã có nhiều người đỗ đạt và thành danh được ghi vào sử sách như: Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330), tên thật là Đồng Kiên Cương, tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; Cụ Đồng Thức quê ở Phụ Vệ, Nam Sách, Hải Dương, đỗ khoa thi Thái học sinh năm Quý Dậu 1393 đời vua Trần Thuận Tông làm quan Ngự sử trung tán; Tướng Đồng Mặc ở Thanh Hóa, thời nhà Hậu Trần có công tham gia đánh đuổi giặc Minh; Cụ Đồng Hãng ở Triền Dương (Lý Dương), Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) năm Kỷ Mùi 1559, thời Mạc Tuyên Tông, làm tới chức Thượng thư Bộ Lại; Cụ Đồng Đắc ở Triền Dương (Lý Dương), Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ năm Mậu Thìn 1568, đời vua Lê Anh Tông, làm quan Công khoa Đô cấp sự trung; Cụ Đồng Văn Giáo (1528) ở Triền Dương (Lý Dương), Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ năm Đinh Sửu 1577, đời vua Lê Thế Tông, làm quan Thừa chánh xứ; Cụ Đồng Hưng Tạo ở An Xá (Tu Linh), Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ năm Bính Tuất 1586, đời vua Lê Thế Tông, làm quan Hiến sát xứ; Cụ Đồng Nhân Phái quê ở xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ (Hoàng Giáp) năm Mậu Thìn 1628, được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều vua Lê Thần Tông, cuối đời được triều đình phong tặng tước Lai Xuyên hầu; Cụ Đồng Tồn Trạch quê ở Triền Dương (Lý Dương), Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương, đỗ Tiến sĩ năm Bính Tuất 1646, đời vua Lê Chân Tông, làm quan Thượng thư Bộ Hộ; Cụ Đồng Bỉnh Do (1647) quê ở Triền Dương (Lý Dương) Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ năm Tân Mùi 1691, đời vua Lê Hy Tông, làm quan chức Tham chính; Cụ Đồng Công Viện ở Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng, Nam Định, đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Thìn 1712, đời vua Lê Dụ Tông, được phong chức quan Giám sát ngự sử; Cụ Đồng Hưu ở Liên Hiệp, Hưng Hà, Thái Bình, đỗ Tiến sĩ năm Giáp Thìn 1724, đời vua Lê Dụ Tông, làm quan Tự khanh; Cụ Đồng Doãn Giai ở Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên, đỗ Tiến sĩ năm Bính Thìn 1736, đời vua Lê Ý Tông, làm quan Đốc đồng Lạng Sơn,… Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, người họ Đồng đã động viên hàng nghìn con em mình xếp bút nghiên ra mặt trận, xông ra nơi đầu sóng ngọn gió, mặt đối mặt với quân thù, dũng cảm chiến đấu chia lửa với chiến trường, không quản hy sinh khi Tổ quốc cần, hàng trăm chiến sĩ người họ Đồng đã ngã xuống như Anh hùng liệt sỹ Hải quân, AHLLVTND Đồng Quốc Bình (người Kiến Thụy, Hải Phòng); nhà cách mạng Đồng Sĩ Bình (Thừa Thiên Huế)...hàng chục bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng nghìn sĩ quan chỉ huy các cấp người họ Đồng từ cấp tướng trở xuống đã từng chiến đấu anh dũng trên các chiến trường, trên mọi mặt trận để cùng quân dân cả nước đem lại hòa bình, độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam chúng ta.Từ ngày hòa bình lập lại, nối tiếp truyền thống hiếu học của dân tộc, con em họ Đồng không ngừng phát triển, đã có năm người được phong hàm cấp tướng, 12 Giáo sư, Phó Giáo sư, 56 Tiến sỹ, hàng trăm Thạc sĩ. Trong đó có rất nhiều người thành đạt như:Trung tướng Đồng Văn Cống quê xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nguyên Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam kiêm Tư lệnh bộ đội Việt Nam ở khu Đông Bắc Campuchia (C40), Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, sau năm 1975 là Phó Tư lệnh Quân khu 7, Phó Tổng thanh tra quân đội, là đại biểu Quốc hội khóa VI; Giáo sư, Tiến sĩ, Trung tướng Đồng Minh Tại quê ở Nghĩa Hoà, Lạng Giang, Bắc Giang, nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng; Trung tướng, Tiến sĩ Đồng Đại Lộc quê ở Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an; Giáo sư,Tiến sỹ, Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng quê ở Hải Dương, Phó Giám đốc Học viện Quân Y, Bộ Quốc phòng; PGS.TS Đồng Văn Hệ, quê Liên Hoà, Kim Thành, Hải Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức; Thiếu tướng Đồng Văn Sơn quê ở Diêm Điền,Thái Thụy,Thái Bình, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công an; Ông Đồng Văn Lâm ở Châu Thành, Trà Vinh -Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh. Ông Đồng Văn Thanh,Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; Bà Đồng Thị Ánh quê ở Giồng Trôm, Bến Tre, nguyên Phó Chánh án TAND TP. HCM, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM; Nhà thơ Đồng Đức Bốn; Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đồng Đức Thành; Nghệ sỹ ưu tú Đồng Tuyết Thanh; Nghệ sỹ ưu tú Đồng Tường Thụ, Nghệ sỹ ưu tú Đồng Thu Hà; Nghệ sỹ ưu tú Đồng Thị Quế Anh, Ca sĩ Đồng Lan ở Hải Dương, là Ca sỹ nổi tiếng The Voice; Diễn viên Đồng Thanh Bình người Cát Bà, Hải Phòng, đã từng được giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim lần thứ XV... Đồng thời, có khá nhiều con em họ Đồng đã và đang là những doanh nhân xuất sắc hoặc là những người nổi tiếng thành đạt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao. Có thể rút ra một điểm chung là: người họ Đồng dù ở đâu, làm nghề gì cũng bộc lộ những tính cách Đồng rất rõ nét là:tự trọng, trách nhiệm, cương trực, giàu trí sáng tạo, dám nghĩ dám làm và đặc biệt: hết lòng vì lẽ phải,vì sự tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, lại là những người lúc nào cũng đau đáu nhớ đến ân đức tổ tiên, thành tâm cung kính nhớ về cội nguồn, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ cho việc bảo tồn và phát huy những di sản của văn hóa dòng tộc, một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc.