Định_Nam_đao

Định Nam đao (chữ Hán: 定南刀) là một thanh đại long đao được cho là của Mạc Đăng Dung (tức Mạc Thái Tổ), một danh tướng dưới triều Lê sơ và sau đó trở thành vua sáng lập nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam. Sở dĩ xếp thanh "Định Nam đao" vào loại đại long đao theo phân loại binh khí cổ là bởi kích thước dài và lớn hơn mức trung bình của nó so với hầu hết các loại đao cận chiến trên bộ thường thấy cũng như phần khâu đao của nó được tạo tác theo hình dạng đầu rồng thu nhỏ (cũng đôi khi được gọi là nhai xế hay nhai xải), thay cho chỗ chắn hộ thủ quen thuộc thường thấy ở các loại đao khác nhau, trông như thể đầu rồng con đang há miệng nuốt lấy phần cuối lưỡi đao. Thanh long đao này đã được cẩn trọng cất giữ như vật gia bảo của dòng họ Phạm gốc Mạc tại Nam Định trong suốt vài thế kỷ. Từ đầu những năm 2000 tới nay nó đã được đưa trở lại lưu thờ ở Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (trước là Từ đường họ Mạc) tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Đây là nơi vào thời Mạc là trung tâm của Dương Kinh, được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử xem là kinh đô thứ hai của triều Mạc giai đoạn còn nắm quyền ở Thăng Long. Tên gọi "Định Nam đao" do con cháu gốc họ Mạc đặt cho thanh đao này có thể được hiểu đồng thời theo hai nghĩa: tên xuất xứ địa lý của nơi thanh đao được tìm thấy (tức tỉnh Nam Định) và vai trò lịch sử của chủ nhân thanh đao (tức Mạc Đăng Dung/Mạc Thái Tổ, là người đã có công lớn nhất trong cuộc dẹp loạn và yên định "nam quốc sơn hà" sau hơn 20 năm đại loạn tranh giành quyền lực không ngừng giữa các phe phái ở cuối thời Lê sơ).Thanh "Định Nam đao" này là một trong số rất hiếm (hoặc có thể là duy nhất) binh khí chiến trận cổ còn được lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay thuộc về một danh tướng hoặc một vị vua sáng lập triều đại trong lịch sử Việt Nam dưới thời quân chủ. Một binh khí khác cũng được nhiều người quan tâm là thanh kiếm có tên "Thái A kiếm" được cho là của vua Gia Long (người sáng lập triều Nguyễn) hiện đang được lưu giữ và trưng bày trong một bảo tàng tại Paris, Cộng hòa Pháp.Các thông tin về chiều dài, trọng lượng hiện tại, trọng lượng ước tính lúc ban đầu… của Định Nam đao được mô tả lần đầu năm 1986 bởi nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Quang.[1] Dựa trên thông tin mô tả của ông Lê Xuân Quang, rất nhiều người đã đưa ra các nhận định về thanh đao này, trong đó có các quan điểm trái chiều về niên đại và tính thực chiến của thanh đao này.Đến năm 2019, nhóm chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam sau khi đo đạc lại thanh đao này để phục vụ việc lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia cho thanh Định Nam đao đã công bố thông tin mô tả chi tiết có sự khác biệt lớn so với thông tin của ông Lê Xuân Quang. Đến năm 2020, thanh đao này đã được công nhận là một bảo vật quốc gia của Việt Nam. Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho thanh đao này ghi nhận thông tin về chiều dài và trọng lượng của thanh đao này như mô tả của Viện Khảo cổ học Việt Nam.[2] Vì vậy, các thông tin mô tả của ông Lê Xuân Quang được xem là không chính xác, và theo đó các ý kiến đánh giá về niên đại cũng như tính thực chiến của thanh đao này dựa trên thông tin mô tả của ông Lê Xuân Quang cũng là không chính xác.

Định_Nam_đao

Địa điểm phát hiện thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, Xuân Trường, Nam Định
Niên đại khoảng đầu thế kỉ XVI
Chiều dài Xấp xỉ 2,40 mét
Khối lượng ~ 15 kg
Chất liệu Sắt (lưỡi và cán đao) và hợp kim đồng (khâu đao)
Thời điểm phát hiện 1938
Hiện lưu trữ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng
Phát hiện bởi Gia tộc họ Phạm gốc Mạc tại Nam Định