Đại_tướng_Quân_Giải_phóng_Nhân_dân_Trung_Quốc

Đại tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (tiếng Trung: 中国人民解放军大将), còn gọi là Thập đại tướng quân (十大将军) là 10 tướng lĩnh cao cấp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thụ phong cấp bậc Đại tướng, theo thứ tự là:Túc Dụ, Từ Hải Đông, Hoàng Khắc Thành, Trần Canh, Đàm Chính, Tiêu Kính Quang, Trương Vân Dật, La Thụy Khanh, Vương Thụ Thanh, Hứa Quang Đạt. Được thành lập năm 1955, quân hàm Đại tướng là cấp bậc quân sự thứ 2 sau cấp bậc Nguyên soái trên cấp Thượng tướng, được trao cho 10 lãnh đạo quân sự xuất chúng của Quân Giải phóng Nhân dân đã tham gia Cải cách ruộng đất, Chiến tranh Trung-Nhật, Quốc-Cộng nội chiến lần thứ hai. Tuy nhiên, chỉ sau đó 10 năm, Cách mạng Văn hóa bùng nổ, chế độ quân hàm Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bị bãi bỏ, nhiều tướng lĩnh cao cấp bị thanh trừng và bức hại. Năm 1988, hệ thống quân hàm được khôi phục, bấy giờ chỉ còn là 2 tướng lĩnh cấp Đại tướng còn sống, nhưng mang quân hàm mới với danh xưng Nhất cấp Thượng tướng (一级上将). Tuy nhiên, từ đó trở đi, không có quân nhân nào được phong quân hàm này cho tới khi bị bãi bỏ hoàn toàn năm 1994. Hiện tại, cấp bậc Thượng tướng là cấp bậc cao cấp nhất của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.