Tính_trội_(di_truyền_học)
Tính_trội_(di_truyền_học)

Tính_trội_(di_truyền_học)

Tính trội trong di truyền học là một mối quan hệ giữa các alen của một gen, trong đó tác động lên kiểu hình của một alen đã át đi sự đóng góp của một alen thứ hai ở trên cùng một locus.[1][2] Alen thứ nhất có tính trội và alen thứ hai có tính lặn. Với những gen trên một nhiễm sắc thể thường (bất cứ nhiễm sắc thể nào khác không phải nhiễm sắc thể giới tính), các alen và tính trạng được kết hợp của chúng có tính trội nhiễm sắc thể thường hoặc tính lặn nhiễm sắc thể thường. Tính trội là khái niệm then chốt trong di truyền Mendel và di truyền học cổ điển. Thường thì alen trội chứa một protein hoạt động được trong khi alen lặn thì không.Một ví dụ cổ điển về hiện tượng trội là di truyền của hình dạng hạt của đậu Hà Lan. Đậu Hà Lan có thể tròn do alen R quyết định hoặc nhăn do alen r quyết định. Trong trường hợp này, có ba cách kết hợp alen (kiểu di truyền) có thể xảy ra: RR, Rr và rr. Những cá thể RR là những hạt đậu tròn còn rr là những hạt đậu nhăn. Với những cá thể Rr, alen R đã át đi sự hiện hữu của alen r, vậy nên những cá  thể đó cũng sẽ là hạt tròn. Do đó, alen R trội hơn alen r, và alen r là alen lặn so với alen R. Việc sử dụng chữ in hoa cho alen trội và chữ in thường cho alen lặn là một quy ước được thực hiện theo một cách rộng rãi.Nói chung, khi một gen tồn tại ở hai dạng alen (gọi là A và a), có ba cách kết hợp alen có thể xảy ra: AA, Aa, và aa. Nếu các cá thể AA và aa (các đồng hợp tử) cho thấy các dạng tính trạng khác nhau (kiểu hình), và cá thể Aa (dị hợp tử) cho thấy cùng kiểu hình với cá thể AA thì alen A được gọi là alen trội, và a được gọi là alen lặn.Tính trội thì không cố hữu đối với cả một alen lẫn kiểu hình của nó. Nó là một mối quan hệ giữa hai alen của một gen và các kiểu hình liên quan; một alen có thể trội với một alen thứ hai, lặn với một alen thứ ba, và đồng trội với cái thứ tư. Đồng thời, một alen có thể trội ở dạng kiểu hình này nhưng lại lặn ở dạng kiểu hình khác bị ảnh hưởng bởi cùng một gen. Tính trội thì khác với tính át gen, một mối quan hệ trong đó một alen của một gen ảnh hưởng tới biểu hiện của alen khác ở một gen khác biệt.[3]