Trịnh_Huyền

Trịnh Huyền (127 - 200) người đất Cao Mạt, thời Đông Hán, tự là Khang Thành, ông nổi danh là một đại sư về Dịch học, tinh thông Ngũ hành, là người kế thừa đầu tiên của Kinh thị dịch học. Suốt đời, Trịnh Huyền chuyên tâm vào việc chú giải các Kinh điển, ông đã chú giải Chu Dịch, Thượng thư, Kinh Thi, Nghi Lễ, Lễ ký, Luận ngữ, Hiếu kinh, Thượng thư đại truyện, Triều tượng lịch. Ông còn sáng tác các sách Thiên văn sĩ chính luận, Lỗ Lễ đế hợp nghĩa, lục nghệ luận, Mao thi phổ, Bác Hứa Thận ngũ kinh dị nghị,... tất cả có hơn vài trăm vạn chữ. Trịnh huyền thống nhất học thuật Kinh học của hai đời (Tây Hán và Đông Hán), dung hợp chúng, khai sáng một phương pháp mới trong nghiên cứu Kinh học, chấm dứt sự tranh luận dai dẳng của Cổ Kim văn. Cái học của họ Trịnh trở thành một phái Nho học. Kinh học là văn hoá quan phương trong xã hội truyền thống Trung Quốc, có ảnh hưởng trọng yếu trong hệ thống văn hoá Trung Quốc. Trịnh Huyền tập đại thành Kinh học nghiên cứu có ý nghĩa lớn cho sự phát triển của văn hoá Trung Quốc.[1]