Kinh_Thi
Kinh_Thi

Kinh_Thi

Hermeneutic schools:Tứ thư:Ngũ kinh:Khác:Confucian churches and sects:Kinh Thi (giản thể: 诗经; phồn thể: 詩經; bính âm: Shī Jīng) là một bộ tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc, một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo. Các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu (tk 11–771 TCN) đến giữa thời Xuân Thu (770–476 TCN), gồm 311 bài thơ. Kinh Thi chia làm ba bộ phận lớn là Phong, Nhã và Tụng. Nguồn gốc các bài thơ trong Kinh Thi khá phức tạp, gồm cả ca dao, dân ca và nhã nhạc triều đình, với các tác giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đương thời. Từ ca dao, dân ca được ghi chép lại thành văn rồi thành kinh điển, Kinh Thi đã trải qua quá trình sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn công phu.Trong thời Chiến Quốc, Kinh Thi được coi là "sách giáo khoa" toàn xã hội, luôn được các học giả truyền tụng, học tập với phương châm "Không học Thi thì không biết nói" (bất học Thi, vi dĩ ngôn - Khổng Tử). Trong sự kiện đốt sách của nhà Tần, Kinh Thi bị mất mát rất nhiều, sau đó mới được sưu tầm và khôi phục qua công sức của nhiều học giả từ đời Hán trở đi. Trong số đó, bản Kinh Thi do hai thầy trò Mao Hanh, Mao Trường biên soạn là bản thông dụng nhất cho đến ngày nay. Cũng trong thời Hán, Kinh Thi trở thành một trong Ngũ kinh của Nho giáo[1] và luôn được nhiều thế hệ nhà Nho như Trịnh Khang Thành đời Đông Hán, Khổng Dĩnh Đạt đời Đường nghiên cứu, bình giải cả về mặt kinh học và văn học. Đến đời Tống, Chu Hy chú giải lại toàn bộ Kinh Thi với chủ trương "kinh học hóa", "huyền thoại hóa" Kinh Thi nhằm phù hợp với yêu cầu huấn hỗ, giáo huấn để rồi khi Tống Nho chiếm địa vị bá chủ học thuật thì lý giải của Chu Hy về Kinh Thi cũng trở thành bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, đến đời Thanh, Thi kinh tập truyện của Chu Hy bị phản đối mạnh mẽ bởi nhiều học giả muốn nghiên cứu Kinh Thi trên tư cách một tuyển tập văn học chứ không phải một tác phẩm kinh học. Và đó cũng là ý kiến chính thống của giới Thi học hiện nay.Kinh Thi được ví như một bức tranh miêu tả toàn cảnh về xã hội đương thời, từ lịch sử, phong tục tập quán, tình trạng xã hội và chế độ chính trị của Trung Quốc thời Chu cho đến sông núi, cây cỏ, chim thú... Do đó, Kinh Thi được coi là nền tảng cho khuynh hướng hiện thực của văn học Trung Quốc. Nghệ thuật của Kinh Thi cũng rất đặc sắc, nhất là phương pháp "phú", "tỉ", "hứng" và lối trùng chương điệp ngữ rất có ảnh hưởng đến đời sau.Kinh Thi là một kiệt tác văn học giàu tính sáng tạo cả về nội dung và hình thức. Khuynh hướng tư tưởng và phong cách nghệ thuật Kinh Thi đều ảnh hưởng sâu xa đến văn học đời sau. Toàn bộ lịch sử văn học Trung Quốc phát triển dưới sự khơi gợi của tinh hoa Kinh Thi. Bên cạnh đó, Kinh Thi còn là tài liệu giáo dục quan trọng của Nho sĩ Trung Quốc, trở thành giáo trình chính trị - luân lý cho toàn bộ Nho sĩ trong xã hội Trung Quốc suốt hai nghìn năm phong kiến. Vai trò và ảnh hưởng của Kinh Thi là vô cùng to lớn, chẳng những được truyền bá trên toàn cõi Trung Quốc mà còn đến các nước lân cận, trở thành một phần của cải tinh thần của nhân loại.