Trung_quán_tông

Trung quán tông (zh. 中觀宗, sa. mādhyamika, bo. dbu ma pa དབུ་མ་པ་), còn được gọi là Trung luận tông (zh. 中論宗), là một trường phái Đại thừa, được Long Thụ (zh. 龍樹, sa. nāgārjuna) thành lập. Tông này có ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản và Việt Nam. Đại diện xuất sắc của phái này, bên cạnh Long Thụ, là Āryadeva (Thánh Thiên, học trò của Long Thụ), Rahula Badhra (La-hầu-la Bạt-đà-la, học trò của Āryadeva), Buddhapàlita (Phật Hộ), Bhàvaviveka (Thanh Biện), Trí Quang, Candrakirt (Nguyệt Xứng), Sư Tử Quang, Thắng Quang, Trí Hộ, Tịch Thiên, Tịch HộLiên Hoa Giới. Những luận sư vĩ đại này có ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển đạo Phật tại Tây Tạng.Tên gọi của tông này dựa trên quan điểm quán sát Trung đạo, không rơi vào kiến chấp hai bên Với quan điểm Bát bất, được ghi lại trong bài kệ dẫn nhập của Trung luận (sa. madhyamakaśāstra), Long Thụ cho rằng mọi miêu tả về sự vật đều không đúng và Sư nêu rõ tính chất hư huyễn của sự vật. Nguyên văn kệ Bát bất, Tám phủ định (Chân Nguyên dịch Phạn-Việt):Nguyên văn tiếng PhạnDịch nghĩaVì tất cả mọi sự đều dựa lên nhau mà thành (duyên khởi), cho nên chúng không tồn tại độc lập, không có tự ngã (zh. 我, sa. ātman), tự tính (zh. 自性, sa. svabhāva), trống rỗng (sa. śūnya). Cái trống rỗng, cái tính Không (sa. śūnyatā) trong Trung quán tông có một ý nghĩa hai mặt: một mặt, tính Không không có một tự ngã nào; mặt khác, tính Không đồng nghĩa với sự giải thoát, vì tính Không chính là bản thể tuyệt đối. Chứng ngộ được tính Không tức là giải thoát. Muốn đạt được điều này, người ta phải thoát khỏi tâm thức nhị nguyên. Đối với Trung quán tông thì tính Không là thể tính cuối cùng, đồng nghĩa với Pháp thân (sa. dharmakāya). Vì quan điểm Không toàn triệt nói trên mà Trung quán tông có khi được gọi là Không tông (sa. śūnyavādin).Muốn đạt được bản thể tuyệt đối, người ta phải thấu qua chân lý tương đối. Vì vậy phái này cũng có quan điểm riêng về "Chân lý hai mặt" (nhị đế 二諦, sa. satyadvaya), họ gọi chân lý thông thường là tục đế hay Chân lý quy ước (thế tục đế 世俗諦, sa. saṃvṛtisatya). Chân lý quy ước này dành cho hiện tượng và khái niệm thế gian, chúng vốn bị tính chất nhị nguyên quy định. Chân lý tuyệt đối, tối cao (đệ nhất nghĩa đế 第一義諦, sa. paramārthasatya) thì siêu tuyệt, không còn các mặt đối lập. Lý luận thông thường có thể tiếp cận tục đế, tuy không phải là chân lý cuối cùng, nhưng chúng cũng có giá trị nhất định. Vì vậy, chấp nhận tính Không, vô ngã (sa. anātman) hoàn toàn không phải phủ nhận kinh nghiệm của con người. Đời sống của một hành giả Trung quán tông cũng phải phản ánh quan điểm đó, nghĩa là, đối với bên ngoài, người đó cũng xem khổ như là có thật, cũng phải giữ giới và cố gắng giúp tất cả mọi người giải thoát.Các tác phẩm của Long Thụ còn giúp phát triển ngành Nhân minh học (zh. 因明學, sa. hetuvidyā). Ngành này cũng chịu ảnh hưởng của trường phái lớn thứ hai của Đại thừa Ấn Độ là Duy thức tông (sa. vijñānavādin, yogācārin) và ngược lại ngành Nhân minh học cũng mài dũa cho Trung quán tông những lý luận sắc bén. Trong lĩnh vực Nhân minh, Duy thức tông cũng góp phần quan trọng, trả lời những câu hỏi mà Trung quán tông không có ý kiến, không đề cập đến như cách phát sinh của thế giới hiện tượng.