Thiên_Nam_ngữ_lục

Thiên Nam ngữ lục (TNNL) là một bản sử ca trường thiên, một tác phẩm văn vần dài nhất trong kho tàng văn học viết bằng chữ Nôm[1] còn lại đến ngày nay.TNNL xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVII, bao gồm 8.136 câu thơ lục bát, 31 bài thơ chữ Hán và 2 bài thơ Nôm. Về những bài thơ chữ Hán, chữ Nôm này, trong cuốn “Thiên Nam ngữ lục” bằng quốc ngữ(1) hai học giả Nguyễn Lương Ngọc[2] và Đinh Gia Khánh có phiên âm, dịch nghĩa và đưa vào phần phụ lục, còn những tác giả khác hoặc không đề cập tới, hoặc chỉ nhắc qua trong khi nghiên cứu về TNNL. Chúng tôi thiết nghĩ đây không phải là những bài thơ gắn bó một cách hữu cơ với nội dung tác phẩm mà còn có thể đóng góp thêm tư liệu ở một giai đoạn lịch sử mà văn bản vì nhiều lý do có bị mất mát đang cần được bổ sung. Vì vậy, đi vào tìm hiều những bài thơ ấy cũng là một việc làm không nên bỏ qua.Giống như tác phẩm cùng thể loại là Việt sử diễn âm(2) một cuốn sách diễn ca lịch sử Việt Nam ra đời vào khoảng niên hiệu Cảnh Lịch nhà Mạc (1548-1553), số bài thơ nói trên nằm xen kẽ trong tác phẩm, thường là sau mỗi triều đại, mỗi sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử mà tác giả cho là quan trọng. Song khác với Việt sử diễn âm: “Có 46 bài thơ chữ Hán và một bài thơ Nôm. Phần thơ chữ Hán, ngoài các bài thơ đã có trong Đại Việt sử ký toàn thư, tác giả còn sử dụng 39 bài thơ trong Thoát Hiên vịnh sử của nhà thơ Đặng Minh Khiêm[3]”(3)… TNNL ngoài những bài thơ mang tên tác giả thuộc các thời đại Lý, Trần, Hồ còn có những bài bắt nguồn chính sử, dã sử, truyền thuyết dân gian, thần tích hoặc do chính tác giả sáng tác. Số lượng nhiều nhất là các bài thơ chữ Hán Đường luật (mỗi bài tám câu, mỗi câu năm hoặc bảy chữ) gồm 7 bài. Còn lại các bài thất ngôn, lục ngôn, ngũ ngôn hoặc tứ ngôn với số lượng câu dài ngắn không như nhau. Thơ Đường luật trong TNNL thường được sử dụng để vịnh các nhân vật lịch sử hoặc nhân vật thần thoại như Phù Đổng Thiên Vương, Lý Ông Trọng, Mỵ Châu Trọng Thủy, Lữ Gia, Bà Trưng, Lý Phục Man… Trong đó có nhiều bài đã ca ngợi các vị anh hùng dân tọc có công chống giặc như: Chùa Thiên Phúc, am Hiển Thụy, núi Sài Sơn… cũng toát lên niềm tự hào về phong cảnh tươi đẹp của non sông đất nước. Bài thơ “Thần tương truyền là của Lý Thường Kiệt[4] cũng được ghi chép trong TNNL:Nam quốc sơn hà Nam đế cư,Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,Hội kiến phong trần tạn khử trừ.Dịch nghĩa:Sông núi nước Nam vua Nam ở,Hoàng thiên đã định ở sách trời.Giặc Bắc cớ sao xâm phạm tới,Gió bụi sẽ quét sạch tơi bời.Ở đây, TNNL đã chép gần giống với sách Việt sử diễn âm, chỉ khác chữ “khứ” được ghi bằng chữ “tảo”. Còn nếu đem so sánh với các văn bản đã được công bố trước đây(4) thì thấy có những chỗ khác nhau về từ và câu nên lại có thể coi đây là một dị bản[5] nữa.Những bài thơ mang tính chất dự báo về xã hội, chính trị cũng khá phổ biến trong TNNL, như “Hoà đao mộc lạc, thập bát tử thành” là điềm báo họ Lê mất. Họ Lý sẽ lên làm vua. Bởi theo lối chiết tự thì ba chữ “Hoà đao mộc” hợp lại thành chữ Lê (chỉ nhà Tiền Lê). Hòa đao mộc lạc là nhà Lê rơi rụng, nhà Lê mất ngôi vua. Ba chữ “Thập bát tử” hợp lại thành chữ Lý. Thập bát tử thành là họ Lý thành, họ Lý lên làm vua. Bài sấm ký:Đỗ Thích thí Đinh Đinh,Lê gia xuất thánh minh.(Đỗ Thích giết hai vua Đinh,Thánh minh xuất hiện ở họ Lê).Trong TNNL chép hoàn toàn giống Việt sử diễn âm, nhưng khác với Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư cả về số câu và chữ(5). Có thể bài sấm ở hai tác phẩm diễn ca lịch sử này có cùng một nguồn gốc không giống với hai tác phẩm vừa nêu. Bởi khi viết TNNL, tác giả không chỉ dựa vào bộ sử đương thời là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên[6] mà còn tham khảo dã sử, truyền thuyết và các nguồn tài liệu văn hóa dân gian khác nữa. Việc tin vào sấm ký, chiết tự, đồng dao, điềm lành, điềm dữ chứng tỏ TNNL đã chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa, tín ngưỡng thời đại tác giả. Đó cũng là những điều thường thấy trong dã sử, truyền thuyết, thần tích và cả trong sử ký thời bấy giờ.Ở TNNL có một số bài được nêu rõ tác giả là người thời Trần. Trong đó có những bài đã được ghi chép trong Đại Việt sử lý toàn thư như các bài thơ của Trần Nguyên Đán, Trần Ngạc. Nhưng cũng có bài chưa có mặt trong sử ký hoặc các tài liệu sưu tầm bằng quốc ngữ hiện nay như bài thơ sau đây được coi là của Trần Cảnh:Tại thế trần ai thiếu giả tri,Xích thằng hồng điệp(6) định vĩnh kỳ.Đãn nghi nguyệt quế cao nan triết,Thùy thức cao nhi dị chiết chi.Dịch nghĩa:Ở trên đời thực ít kẻ biết,Tơ hồng lá thắm đã định từ trước.Những tưởng cành nguyệt quế trên cao thì khó bẻ,Ai biết đâu ở trên cao mà lại dễ bẻ.Đó là tâm sự của Trần Cảnh khi sắp kết duyên cùng Lý Chiêu Hoàng. Đặc biệt, trong hai bài thơ Nôm Đường luật có một bài theo tác giả TNNL là của Hồ Quý Ly làm để tự dịch bài thơ chữ Hán của mình trong khi bị giặc Minh bắt cầm tù. Nguyên văn bài thơ chữ Hán như sau:Canh cải đa đoan tử phục sinh,Du du hương lý bất thắng tình.Nam quan siêu đệ ưng đầu bạch,Bắc quán yêm lưu giác mộng kinh.Tướng quốc tài nan tàm Lý Bật(7),Thiên đô kế chuyết khốc Bàn Canh(8).Kim âu(9) kiến khuyết vô do hợp,Thi gia tu tri ngọc phỉ khinh.Và đây là bài thơ quốc ngữ:Canh cải nhiều hàng tử phục sinh,Lòng lo hương lý ở bao đành.Quê người dễ thấy đầu dầu bạc,Quán khách khôn cầm tóc đỗ xanh(10).Tướng quốc ắt chăng tài Lý Bật,Thiên đô còn phải giận Bàn Canh.Kim âu mẻ khuyết khôn hàn được,Đợi giá cho nên biết ngọc lành.Có tác giả từng đặt câu hỏi: “Bài thơ Nôm này có đúng là của Hồ Quý Ly viết ra để dịch bài thơ chữ Hán của Mình hay không? Hay chính tác giả TNNL đã dịch và đem gán cho Quý Ly”(11)… Thế nhưng, tác giả sách Việt sử diễn âm nói trên cũng đã từng khẳng định đây là bài thơ của Hồ Quý Ly(12). Văn bản bài thơ được chép trong TNNL và Việt sử diễn âm căn bản là giống nhau, chỉ có đôi chỗ khác biệt không đáng kể, và có lẽ sự có mặt của bài thơ ở hai tác phẩm cách nhau trên một trăm năm không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Hơn nữa lại có ý kiến: “Chúng tôi cho rằng áp dụng thể thơ Đường vào thơ Nôm thì nhà Nho nào cũng thạo, và có lẽ ngay từ khi bắt đầu làm thơ Nôm người ta đã biết làm như vậy, vì đó chỉ là công việc “nặng tính bắt chước hơn là sáng tạo”(13)…Vấn đề ở đây có lẽ vẫn còn phải xem xét thêm về nhiều phương diện thì mới mong giải đáp một cách chính xác được. Nhưng dẫu sao thìsự có mặt của trên ba mươi bài thơ trong một tác phẩm diễn ca lịch sử xuất hiện vào cuối thế kỷ XVII như TNNL cũng là một nguồn tài liệu tham khảo đáng quý. Mặt khác, nó cũng gợi ý cho các nhà nghiên cứu, các nhà biên soạn lịch sử văn học dân tộc nên sưu tầm rộng khắp, càng nhiều nguồn tài liệu càng tốt, bởi việc nghiên cứu lịch sử văn bản cần phải được tiến hành: “Với tầm bao quát tư liệu rộng và sâu đến mức tối đa mà khả năng hiện thực cho phép”(14). Và công tác giám định văn bản cũng cần dựa vào các tài liệu ghi chép có tính chất minh chứng.Chú thích:1. Thiên Nam ngữ lục: Nguyễn Lương Ngọc và Đinh Gia Khánh phiên âm chú thích giới thiệu. Nhà xuất bản Văn hóa, HN 1958.2, 3. Việt sử diễn âm: Nguyễn Tá Nhí sưu tầm giới thiệu biên dịch. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin HN, 1997.4. Xin xem:- Trần Nghĩa: Thử xác lập văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà. Tạp chí Hán Nôm 1-1996.- Dương Thái Minh: Bài thơ Nam quốc sơn hà, đọc và hiểu từ một dị bản mới phát hiện, TC Hán Nôm 3-1993.5. Thơ Văn Lý Trần, tập 1 Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, HN 1997, tr 200-201.6. Xích thằng hồng điệp: Hai điển cố ngụ ý nói về những mối tình duyên do trời định trước.7. Lý Bật: Người đời Đường, nổi tiếng học giỏi, làm quan đến chức Trung Thư Thị trung đồng Bình Chương sự, có đức độ, uy vọng. Ở đây Hồ Quý Ly thẹn không làm được như Lý Bật.8. Bàn Canh: Vua nhà Thương, dời đô về đất Ân, đổi tên nước là Ân, làm cho đất nước được thịnh vượng.9. Kim âu: Cái bình vàng, vật tượng trưng cho quốc gia. Cái bình vàng mẻ sứt là đất nước bị tan vỡ.10. Đỗ xanh: Từ này hơi khó hiểu. Quốc âm thi tập chép là “biên xanh” (mái tóc xanh): Biên xanh nỡ phụ nữ đầu bạc.