Đạo_quán

Đạo quán là nơi tu luyện và cử hành nghi thức tôn giáo của các đạo sĩ. Đôi khi gọi là cung quán, ngoài ra còn có các kiến trúc với tên gọi theo quy mô lớn nhỏ khác nhau như: điện, đường, phủ, miếu, am, lâu, xá, trai, các, khuyết, đàn.Đạo giáo là tôn giáo bản địa, cho nên kiến trúc của đạo quán mang đậm nét kiến trúc truyền thống của Trung Quốc. Ngoài hoa viên, các điện đường lâu các được trang trí và thiết kế mang tính biểu tượng rất cao. Thí dụ các hình ảnh và tượng thể hiện «vũ hoá đăng tiên» (đắc đạo lên cõi tiên), «diên niên ích thọ» (sống trường thọ), «trường sinh bất tử» (sống mãi không chết); các hình vẽ tinh tú mặt trời Mặt Trăng (ngụ ý sự trường tồn và hoà đồng vũ trụ); các vật hay hình vẽ trang trí: cái quạt (phiến, đồng âm với chữ thiện: tốt), cá lội (ngư, đồng âm chữ dư: có dư, giàu), hoa thủy tiên (ngụ ý thành tiên), con dơi (bức, đồng âm với chữ phúc: hạnh phúc), con nai (lộc, đồng âm với chữ lộc: tài lộc); và các thứ thanh nhã mang đậm nét đạo giáo như tùng bách, linh chi, quy, hạc, sư tử, kỳ lân, long, phụng, v.v...Các đạo quán có rất nhiều khắp nơi của Trung Quốc. Quan trọng nhất là Bạch Vân Quán tại Bắc Kinh.