Nguồn Wikipedia:Thông_tin_kiểm_chứng_được

Nguồn đáng tin cậy

Các mục từ nên dựa trên các nguồn tin độc lập đáng tin cậy với danh tiếng về tính chính xác và việc kiểm tra sự thật[4]. Các nguồn đáng tin cậy cần cho việc minh chứng cho nội dung trong mục từ và cho việc thừa nhận các tác giả và nhà xuất bản nhằm mục đích tránh ăn cắp và vi phạm bản quyền. Các nguồn cần trực tiếp hỗ trợ thông tin như cách nó được trình bày trong bài và cần phù hợp với các khẳng định đã được đưa ra trong bài. Các khẳng định đặc biệt đòi hỏi các nguồn đáng tin cậy ở mức độ cao.

Tất cả các bài viết phải tuân theo quy định về thái độ trung lập của Wikipedia, trình bày tất cả các quan điểm đa số cũng như các quan điểm thiểu số nổi bật mà đã được công bố bởi các nguồn đáng tin cậy, theo tỷ lệ tương đối với mức độ nổi trội của mỗi quan điểm. Không cần nhắc đến các quan điểm thiểu số quá nhỏ và các lý thuyết ngoài luồng (fringe theory), ngoại trừ trong các bài được dành riêng cho chúng.

Nói chung, các nguồn đáng tin cậy nhất là các tạp chí có phản biện (peer review) và các cuốn sách xuất bản tại các nhà xuất bản đại học; sách giáo khoa đại học; tạp chí, tập san, và sách xuất bản tại các nhà xuất bản có uy tín; và trên báo chí chủ lưu (mainstream newspaper). Theo quy tắc ngón tay cái, nếu người ta càng kỹ lưỡng trong việc kiểm tra các sự kiện, phân tích các vấn đề pháp lý, và xem xét các bằng chứng và luận cứ của một tác phẩm, thì tác phẩm đó càng đáng tin cậy.

Các ấn phẩm hàn lâm và có phản biện được đánh giá cao và thường là các nguồn đáng tin cậy nhất trong các lĩnh vực chuyên môn, chẳng hạn như lịch sử, y học, và khoa học. Tài liệu từ các nguồn không hàn lâm cũng có thể được sử dụng trong các lĩnh vực này, đặc biệt nếu chúng là từ các ấn phẩm chính thống được kính trọng. Sự phù hợp của một nguồn luôn phụ thuộc vào ngữ cảnh. Khi có sự mâu thuẫn giữa các nguồn, các quan điểm của các nguồn này phải được trình bày rõ ràng trong bài.

Wikipedia:Nguồn đáng tin cậy là một hướng dẫn về độ tin cậy của các loại nguồn cụ thể. Do các quy định có hiệu lực cao hơn các hướng dẫn, khi có sự không thống nhất giữa trang này và trang đó, trang này được quyền ưu tiên, và Wikipedia:Nguồn đáng tin cậy sẽ phải được sửa lại một cách tương ứng. Để bàn về độ tin cậy của các nguồn cụ thể, xem Wikipedia:Nguồn đáng tin cậy/Bảng tin.

Nguồn đáng nghi

Nguồn đáng nghi ngờ là nguồn có tiếng xấu về việc kiểm tra sự kiện. Các nguồn như vậy bao gồm các trang web và các nhà xuất bản thể hiện các quan điểm được thừa nhận rộng rãi là cực đoan, có tính chất quảng cáo, hoặc dựa nhiều vào các tin đồn và các quan điểm cá nhân. Chỉ nên dùng các nguồn đáng nghi để kiểm chứng cho các tuyên bố về chính các nguồn này, như được miêu tả bên dưới. Bài về các nguồn như vậy không nên chứa bất cứ khẳng định gây tranh cãi nào mà nguồn này đưa ra về các bên thứ ba, trừ khi các khẳng định này đã được công bố bởi các nguồn đáng tin cậy.

Nguồn tự xuất bản

Bất cứ ai cũng có thể tạo một website hoặc bỏ tiền để xuất bản một cuốn sách, và rồi tự nhận là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Vì vậy, các cuốn sách tự xuất bản, newsletter, website cá nhân, các dự án wiki mở, blog, các bài đăng trên diễn đàn (forum), và các nguồn tương tự hầu như không phải là các nguồn chấp nhận được.[5]

Trong một số trường hợp, nội dung tự xuất bản có thể được chấp nhận khi tác giả của nó là một chuyên gia nổi tiếng về chủ đề của mục từ, và tác giả này đã có công trình thuộc lĩnh vực liên quan được xuất bản bởi các nhà xuất bản độc lập đáng tin cậy. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi sử dụng các nguồn như vậy: nếu thông tin đang quan tâm thực sự đáng được nói đến, thì nhiều khả năng là nó đã được công bố bởi một nơi khác rồi.

Không bao giờ nên dùng các nguồn tự xuất bản như là nguồn của bên thứ ba về những người đang sống, ngay cả khi tác giả là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp hoặc tác giả nổi tiếng; xem Wikipedia:Tiểu sử về người đang sống#Nguồn đáng tin cậy.

Bài viết và nội dung tại Wikipedia không được dùng làm nguồn.

Nguồn tự xuất bản và nguồn đáng nghi cho các nội dung về chính các nguồn này

Nội dung từ các nguồn tự xuất bản và các nguồn không đáng tin cậy khác có thể được dùng làm nguồn dẫn chứng cho các thông tin về chính các nguồn đó trong các bài về các nguồn này, với các điều kiện:

  • Nội dung liên quan đến sự nổi tiếng của người đó hay tổ chức đó;
  • Nội dung đó không bị tranh chấp;
  • Nội dung đó không quá vụ lợi (self-serving);
  • Nội dung đó không chứa các tuyên bố về các bên thứ ba, hoặc về các sự kiện không trực tiếp liên quan đến chủ thể;
  • Không có nghi ngờ đáng kể nào về việc ai là người viết nội dung này.

Nguồn không phải tiếng Việt

Vì đây là Wikipedia tiếng Việt, để tiện cho người đọc, người soạn nên ưu tiên sử dụng các nguồn tài liệu tiếng Việt hơn các nguồn ngôn ngữ khác, với giả thuyết có nguồn tiếng Việt chất lượng tương đương, để người đọc có thể dễ dàng kiểm chứng là tài liệu nguồn đã được sử dụng một cách đúng đắn. Khi sử dụng một nguồn không phải tiếng Việt để hỗ trợ một nội dung có thể bị nghi ngờ, hoặc khi dịch một trích dẫn trực tiếp bất kỳ, người soạn cần trích dẫn nguyên văn phần có liên quan từ văn bản gốc tại một cước chú hoặc ngay trong bài, như vậy người đọc có thể kiểm tra xem đoạn đó có thống nhất với nội dung trong bài hay không. Các đoạn dịch đã được xuất bản bởi nguồn đáng tin cậy được ưu tiên hơn các cách dịch của thành viên Wikipedia.