Viên_Nội
Viên_Nội

Viên_Nội

Viên Nội1. Điều kiện tự nhiên         Xã Viên Nội nằm ở phía tây bắc huyện Ứng Hòa, có 4 thôn là Thượng, Trung, Giang và Tiền. Xã có diện tích tự nhiên vào khoảng 4,12 km2 với dân số 4.085 người (năm 2012). Phía đông và phía bắc giáp xã Viên An; phía tây là dòng sông Đáy, bên sông là xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức); phía nam giáp xã Cao Thành.         Nằm dọc theo tuyến đê sông Đáy, địa bàn xã Viên Nội có điều kiện giao thông tương đối thuận lợi. Sông Đáy và tuyến đê của nó là hai tuyến giao thông thủy và bộ quan trọng giúp Viên Nội giao lưu với các vùng khác. Cả 4 làng của Viên Nội đều cư trú thành một dải bên tuyến sông Đáy, đây là vùng đất có độ nghiêng dần từ phía đê sông Đáy sang phía đông. Vì vậy, đất đai của xã khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.         2. Lịch sử hình thành         Theo sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ thứ XX” (do Viện Hán Nôm biên soạn), xã Viên Nội thuộc tổng Viên Nội, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên. Năm 1831, vua Minh Mạng chia lại địa giới hành chính, các phủ Ứng Hòa, Thường Tín, Hoài Đức trong đó có tổng Viên Nội thuộc tỉnh Hà Nội.         Năm 1888, triều đình nhà Nguyễn lập hai huyện Chương Đức và Mỹ Đức. Tổng Viên Nội huyện Chương Đức tách ra thành hai tổng thuộc hai huyện. Các xã ở bên kia sông Đáy được chuyển về huyện Mỹ Đức thành lập tổng mới vẫn lấy tên là Viên Nội. Xã Viên Ngoại thuộc tổng Văn La chuyển về cùng với 2 xã Viên Nội và Phù Yên lập thành tổng Viên Nội thuộc phủ Ứng Hòa.         Từ đó địa dư hành chính và tên gọi của Viên Nội cơ bản được giữ nguyên. Chỉ có trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, từ năm 1948, xã Viên Nội cùng với các thôn Phù Yên, Viên Ngoại hợp nhất thành xã Viên An. Đến năm 1956, xã Viên An được tách lại thành 2 xã là Viên An và Viên Nội.         3. Truyền thống văn hóa         Từ buổi khai sinh lập ấp, trải qua quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, người dân Viên Nội đã hình thành nên nhiều truyền thống quý báu, góp phần làm giàu thêm bản sắc của quê hương Ứng Hòa.         Đặc trưng nổi bật nhất về truyền thống văn hóa của nhân dân Viên Nội là truyền thống hiếu học. Đây là vùng đất khoa cử nổi tiếng của phủ Ứng Thiên xưa. Trong 3 thế kỷ XV, XVI và XVII, xã Viên Nội có tới 5 người đỗ Tiến sỹ và 1 người đỗ Hoàng Giáp. Trong đó, khoa thi Quý Mùi (1463) xã Viên Nội có tới 2 người đỗ Tiến sỹ là ông Nguyễn Bá Kỳ và ông Phạm Lại. Đây là điều ít gặp trong lịch sử khoa bảng của các làng xã thuộc phủ Ứng Thiên lúc đó, cũng như trong lịch sử khoa bảng dân tộc. Tên tuổi các ông được ghi trong Văn Miếu ở Hà Nội.         Từ xa xưa, nhân dân Viên Nội sinh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Và, việc chống chọi với thiên thiên khắc nghiệt đã hình thành nên tính cần cù, chịu khó và truyền thống đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, thắm đượm tình làng, nghĩa xóm của người nhân dân Viên Nội. Mà minh chứng rõ nét cho điều đó là cả 4 thôn của Viên Nội đều chung một hội làng truyền thống, diễn ra từ ngày 5 – 10 tháng 2 âm lịch hàng năm.         Truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng là điểm nổi bật của mảnh đất Viên Nội. Đình thôn Thượng thờ Thượng Đẳng Lang Đô thống Đại Vương đời Hùng Vương thứ XVIII làm Thành Hoàng làng, đình thôn Giang thờ Lý Bý – vị vua sáng lập nhà Tiền Lý và nước Vạn Xuân trong lịch sử dân tộc – đều là những người có công với nước. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, lớp lớp thanh niên Viên Nội đã lên đường tòng quân, tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có mặt ở khắp các chiến trường vì mục tiêu bảo vệ đất nước. Và, nhiều người con của Viên Nội đã không trở về hay đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường.         Truyền thống hiếu học, đoàn kết và tinh thần yêu nước sẽ là động lực quan trọng để nhân dân Viên Nội tiến vào thế kỷ XXI với mục tiêu xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh và hiện đại.

Viên_Nội

Huyện Ứng Hòa
Tổng cộng 4085 người[1]
Diện tích 4,12 km²[1]
Vị trí Viên Nội trên bản đồ Việt Nam
Vị trí Viên Nội trên bản đồ Việt Nam
Viên Nội
Mật độ 942 người/km²
Mã hành chính 10360[1]
Thành phố Hà Nội
Dân tộc Kinh