Thư_pháp_chữ_Việt

Thư pháp chữ Việt, hay thư pháp Việt ngữ, là chữ Quốc ngữ Việt viết theo lối thư pháp, là một phân môn nghệ thuật xuất hiện ở Việt Nam từ thập niên 1930. Những người đam mê và theo đuổi học tập, nghiên cứu phân môn nghệ thuật này tôn ông Đông Hồ Lâm Tấn Phác làm "Ông tổ" của Thư pháp chữ Việt. Ông sinh ngày 15 tháng 2 năm Bính Ngọ 1906, tại làng Mỹ Đức tỉnh Hà Tiên. Đông Hồ là một người có bàn tay tài hoa, vốn yêu thích viết chữ đẹp và nghệ thuật thư pháp, và lại yêu tiếng Việt nên ông là người đầu tiên có ý tưởng dùng cọ lông và mực Tàu viết chữ quốc ngữ. Vì thế ông được tôn là tổ sư của bộ môn Việt thư (thư pháp chữ Việt). Ông mất ngay khi đang đọc thơ trên bục giảng vào ngày 25/03/1969 nhằm năm Kỷ Dậu.Bắt đầu là nhà thơ Đông Hồ viết thư pháp với bút sắt, sau này có nhà thư pháp Nhất Linh viết một số bức in trên tạp chí nhưng chưa thành phong trào. Mãi đến sau này, nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh khơi mào cho phong trào viết thư pháp Quốc ngữ bằng bút lông. Câu lạc bộ Thư pháp ban đầu chỉ có nhà thư pháp Nguyễn Đình và nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh viết thư pháp Quốc ngữ. Vào những năm cuối của thế kỷ 20, phong trào thư pháp chữ Việt bùng nổ, điển hình là các câu lạc bộ thư pháp được thành lập rộng khắp các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, như Câu lạc bộ yêu thích chữ Việt (Q.1), Câu lạc bộ Thư họa Giác Ngộ (Báo Giác Ngộ - Q.3), v.v. Từ năm 2004 lan rộng ra Bắc và sang đến đầu thế kỷ 21, thư pháp chữ Việt phát triển mạnh mẽ khắp ba miền Trung - Nam - Bắc.Có nhiều tác phẩm lớn, gây được tiếng vang như cuốn thư pháp kỷ lục Truyện Kiều dài 300, được thực hiện nhân dịp Festival Huế 2002 và cuốn thư pháp gỗ về Tuyên ngôn Độc lập nặng 400 kg của Trịnh Tuấn, cuốn thư pháp thơ Lục Vân Tiên dài 120 m của ông Vĩnh Thọ... đánh dấu được tiếng nói nhất định của thư pháp chữ Việt.