Súng_bắn_gen
Súng_bắn_gen

Súng_bắn_gen

Súng bắn gen là thiết bị sử dụng trong kỹ thuật di truyền, dùng để chuyển gen của tế bào này (tế bào cho) sang tế bào khác (tế bào nhận) bằng cách dùng kim loại nặng làm "đạn" mang gen của tế bào cho phóng vào tế bào nhận.[1][2] Gen của tế bào cho (donor) thường là một đoạn DNA, còn tế bào nhận (recipient) còn gọi là tế bào đích hoặc tế bào chủ nhận gen (khác với tế bào chủ của vật ký sinh).[3]Trong tiếng Anh, thiết bị này gọi là "gene gun" đã được dịch là "súng bắn gen",[4] cũng còn gọi là "máy gia tốc hạt" (particle acceleration) hoặc "máy phóng vi đạn" (microprojectile bombardment) hay "súng cao áp" (pressurized gun).[1] Còn phương pháp sử dụng thiết bị này gọi là biolistics.[5]Để cho "viên đạn" chứa gen ngoại lai có thể đâm xuyên vào tế bào nhận, cần phải tạo ra sự chênh lệch cao về áp suất hoặc điện áp giữa "súng" với "đích". Viên đạn mang gen thường làm từ kim loại nặng không gỉ (vàng, vônfram) có thể dùng làm vỏ để bao bọc gen ở bên trong hoặc được phủ DNA bên ngoài.[1]Tuy gọi là súng bắn gen, nhưng thiết bị này còn có thể "bắn" nhiều loại vật chất khác không phải là gen. Súng bắn gen đã được sử dụng thành công đầu tiên vào năm 1987 để chuyển gen vào tế bào thực vật (Klein, Wolf, Wu, & Sanford, 1987), sau đó, nó đã được áp dụng thành công cho các nghiên cứu chuyển gen vào tế bào động vật có vú cũng như người (Williams và cộng sự, 1991; Yang, Burkholder, Roberts, Martinell, & McCabe, 1990).[2]