Quản_lý_đới_bờ_biển

Quản lý đới bờ biển hoặc quản lý vùng bờ biển (CZM) chủ yếu có “chức năng sản xuất” nhằm kết hợp các yếu tố đầu vào như lao động, tài nguyên thiên nhiên, vốn và thời gian để tạo ra các sản phẩm mong đợi như bãi biển cho nghỉ dưỡng công cộng, tiện nghi hàng hải, chất lượng nước đảm bảo, các vụ cá hàng năm, bảo tồn biển, giảm tổn thất do dâng cao mực biển hoặc các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu [1].Quản lý tổng hợp (QLTH, IM) ở cấp tác nghiệp đề cập đến sự phối hợp của tất cả các bên có trách nhiệm về các nhiệm vụ cần thiết để hoạch định và thực thi các hoạt động, chẳng hạn hoạt động quản lý đới bờ biển, bao gồm việc nắm giữ và phân bổ các nguồn lực mà các bên phụ thuộc [1]. QLTH là một quá trình liên tục qua đó các quyết định được đưa ra nhằm bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững các khu vực và nguồn lực. QLTH thừa nhận mối quan hệ tồn tại giữa các hoạt động sử dụng khác nhau và tác động tiềm năng tới môi trường. Nó được thiết kế để vượt qua sự rạn vỡ vốn có khi tiếp cận quản lý theo ngành, phân tích các khía cạnh phát triển, mâu thuẫn sử dụng, thúc đẩy sự liên kết và hài hoà giữa các hoạt động khác nhau.Quản lý tổng hợp đới bờ biển (QLTHĐBB, ICZM) là một chương trình tạo dựng nhằm quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đới bờ biển, có sự tham gia liên kết của tất cả các ngành kinh tế bị tác động, các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ [2]. QLTHĐBB là mẫu hình mới nhất về quản lý các đới bờ biển, liên kết hoạt động đối tác, tập hợp các bên có quyền lợi, là một quá trình phối hợp và các hoạt động không trùng lặp. Nó bao gồm việc đánh giá toàn diện, đặt ra các mục tiêu, quy hoạch và quản lý hệ thống vùng bờ và tài nguyên, có xét đến các đặc điểm lịch sử, văn hoá và truyền thống, mâu thuẫn lợi ích và sử dụng; đó là một quá trình liên tục và tiến hoá nhằm đạt tới sự phát triển bền vững [3]. QLTHĐBB là một quá trình động và liên tục, nhờ đó các quyết định được đưa ra nhằm sử dụng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, tài nguyên bờ và biển [4].Theo Cộng đồng châu Âu (1999)[5], QLTHĐBB là một quá trình động, đa năng và lặp lại nhằm phát triển quản lý bền vững đới bờ biển. Nó gồm một số chu kỳ lặp lại, mà một chu kỳ đầy đủ bắt đầu từ thu thập thông tin, lập quy hoạch (theo nghĩa rộng nhất), ra quyết định, quản lý và giám sát thực hiện và kết thúc bằng đánh giá thực hiện. QLTHVBB có sự tham gia và hợp tác được đồng thuận của tất cả các bên có lợi ích để đạt được các mục tiêu xã hội ở một đới bờ biển xác định và thực thi các hành động nhằm hướng tới các mục đích này.Về lâu dài, QLTHĐBB tiến tới sự cân bằng về các mục tiêu môi trường, kinh tế, xã hội, văn hoá và nghỉ dưỡng, nằm trong phạm vi của quá trình tự nhiên. “Tổng hợp” ở đây mang nghĩa tổng hợp các mục tiêu và lợi ích, tổng hợp các cách thức cần thiết để đạt mục tiêu; tổng hợp mọi lĩnh vực chính sách và mọi ngành liên quan; tổng hợp về không gian, gồm cả các phần biển và đất liền của vùng quản lý. Nói ngắn gọn nhất: “Tổng hợp” mang nghĩa hòa nhập (integration), đa ngành (multi- sector), đa mục tiêu (multi-purpose) và đa lợi ích (multi-benefits)[6].