Nội_cộng_sinh
Nội_cộng_sinh

Nội_cộng_sinh

Nội cộng sinh là phương thức cộng sinh giữa hai hay nhiều loài sinh vật khác nhau, trong đó loài này hoàn toàn sinh sống ở trong cơ thể của loài khác.[1][2][3][4] Trong phương thức này, các loài đều cộng sinh với nhau, nhưng loài nào ở trong cơ thể loài kia thì phải có kích thước cơ thể nhỏ hơn và thường tạo thành một quần thể trong loài chứa nó - là loài thường có kích thước lớn hơn gấp bội. Bởi vậy, sinh vật chứa vật cộng sinh thường gọi là "vật chủ cộng sinh". Chẳng hạn như có tới hàng tỷ vi khuẩn cố định đạm sống trong một cây họ đậu (hình 1), thì cây đậu là "vật chủ cộng sinh", nhiều tác giả thường gọi tắt là "vật chủ" (host) [2] (không phải vật chủ kí sinh). Thuật ngữ này trong tiếng Anh là endosymbiont (phát âm IPA: /ˈɛndoʊ sɪmˌbaɪˈoʊn/) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: ἔν (endo là "bên trong") + sym (là "cùng nhau") + βίωσιβίωσ (bion là "sống"). Trong cộng sinh, các loài sinh vật đối tác có quan hệ tương hỗ với nhau và thường có lợi cho nhau. Cần phân biệt nội cộng sinh với ngoại cộng sinh, cũng như cần phân biệt nội cộng sinh với nội kí sinh (kí sinh trong).