Mô_hình_định_giá_tài_sản_vốn

Trong tài chính, mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) được sử dụng để xác định tỷ suất sinh lợi yêu cầu của một tài sản khi tài sản đó được thêm vào một danh mục đã được đa dạng hóa tốt, với rủi ro không thể đa dạng hóa của tài sản đó được cho trước. Mô hình này đo lường độ nhạy cảm của tài sản với rủi ro không thể đa dạng hóa (cũng được gọi là rủi ro hệ thống hay rủi ro thị trường) mà thường được đại diện bởi hệ số beta (β) trong ngành tài chính, cũng như với lợi tức kỳ vọng của thị trường và lợi tức kỳ vọng của một tài sản lý thuyết phi rủi ro.Mô hình CAPM được giới thiệu một cách độc lập bởi Jack Treynor (1961, 1962),[1] William F. Sharpe (1964), John Lintner (1964a,b) và Jan Mossin (1966), được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu trước đó của Harry Markowitz về lý thuyết đa dạng hóa và danh mục đầu tư hiện đại. Fisher Black (1972) phát triển một phiên bản khác của CAPM, được gọi là Black CAPM hay zero-beta CAPM, không bao gồm giả định về sự tồn tại của tài sản không rủi ro. Mô hình này phù hợp hơn trong việc kiểm tra thực nghiệm và giúp mô hình CAPM được chấp nhận rộng rãi hơn.