Mô_hình_đàn_nhạn_bay

Mô hình đàn nhạn bay là thuật ngữ chỉ một đặc trưng phát triển công nghiệp thường thấy ở các nước Đông Á. Về mặt từ nguyên, Akamatsu Kaname (赤松要) - một học giả kinh tế người Nhật - là người đã đưa ra tên gọi 雁行形態 (romaji: ganko keitai, phiên âm Hán-Việt: nhạn hành hình thái) từ thập niên 1930 và làm cho nó phổ biến từ thập niên 1960. Thuật ngữ này sau đó được các nhà kinh tế người Việt Nam dịch trực tiếp từ tiếng Nhật sang tiếng Việt thành "mô hình đàn nhạn bay" hoặc dịch qua tiếng Anh (flying-geese pattern, flying-geese paradigm, flying wild geese pattern) sang tiếng Việt thành "mô hình đàn sếu bay", "mô hình đàn ngỗng bay", v.v... mặc dù về ngôn ngữ cũng như nội hàm của thuật ngữ thì 形態 trong tiếng Nhật hay pattern hoặc paradigm trong tiếng Anh không phải là mô hình. Trong bài này, cách gọi "mô hình đàn nhạn bay" được sử dụng vì nó đã thành thói quen ở Việt Nam.Mô hình đàn nhạn bay, theo ý tưởng của Akamatsu và những nhà kinh tế Nhật Bản khác có công phổ biến nó là Kojima Kiyoshi và Okita Saburo gồm có ba phiên bản. Phiên bản đầu tiên áp dụng cho trường hợp một nước và một sản phẩm. Phiên bản thứ hai áp dụng cho trường hợp một nước và nhiều sản phẩm. Phiên bản thứ ba áp dụng cho nhiều nước.