Chùa_Báo_Ân
Chùa_Báo_Ân

Chùa_Báo_Ân

Chùa Báo Ân mang trong mình nhiều kỷ lục nhưng đó cũng chính là ngôi chùa được cho là "đoản mệnh", chỉ tồn tại vài chục năm sau khi được khánh thành với quy mô lớn. Dấu tích duy nhất còn sót lại đến ngày nay chính là tháp Hòa Phong nằm bên bờ hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội.Công trình chùa Báo Ân lớn bậc nhất kinh kỳ thế kỷ 19, không chỉ là một công trình mang dấu ấn nhà Nguyễn, mà còn là nét lịch sử văn hóa, kiến trúc Phật giáo độc đáo, tiêu biểu cho dòng tư tưởng "cư Nho mộ Thích" (học hành theo đạo Nho nhưng vẫn chuộng theo đạo Phật) thời bấy giờ. Tòa tháp Báo Ân ở chùa Bằng (Thịnh Liệt, Hoàng Mai), nơi được xác lập hai kỷ lục Phật giáo Việt Nam: Tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam và Tháp có nhiều tượng Phật bằng đồng nhất Việt Nam - cũng chính là hướng đến di tích chùa Báo Ân thuở trước. Tất cả đều nhằm nói lên tinh thần cứu khổ, ban vui của Bồ Tát Quán Thế Âm cho tất cả chúng sinh trong thế giới.Ngôi tháp nhuốm màu rêu phong nằm trên bờ hồ Hoàn Kiếm phía đường Đinh Tiên Hoàng, dường như là một điểm nhấn cổ kính giữa lòng Hà Nội hoa lệ. Nhiều du khách đến Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi tháp cổ duyên dáng, nhiều người nghĩ rằng tháp là một trong những tác phẩm nghệ thuật xưa nằm trong quần thể Tháp Rùa - Hồ Gươm. Nhưng ít ai biết rằng ngôi tháp cổ ấy có một cái tên riêng biệt là tháp Hòa Phong và không hề nằm trong quần thể Tháp Rùa. Tháp Hòa Phong vốn gắn liền với quần thể chùa Báo Ân xưa, ngôi chùa lớn bậc nhất Hà thành thế kỷ 19. Tháp Hòa Phong bây giờ là di tích duy nhất còn sót lại đến ngày nay của quần thể bề thế một thời vàng son.Chùa Báo Ân xưa được xây dựng trên bờ phía đông hồ Hoàn Kiếm vào khoảng năm 1846; với quy mô gồm 180 gian, 36 nóc nhà trên khu đất rộng gần 100 mẫu, mặt trước trông ra Sông Hồng, mặt sau dựa vào hồ Hoàn Kiếm. Bốn mặt chùa có hào nước uốn quanh, trong hào trồng sen nên thời bấy giờ người ta còn gọi là chùa Liên Trì (chùa Ao Sen). Ngoài ra, chùa Báo Ân còn được gọi bằng một số tên khác như chùa Quan Thượng, chùa Thụ Hình.Với vị trí đắc địa ngay cạnh hồ Gươm linh thiêng, chùa Báo Ân xưa được ví như "động tiên" giữa chốn kinh kỳ với những câu ca truyền tụng như: "Gần xa nô nức tưng bừng/Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên". Quang cảnh thanh tịnh, đẹp đẽ của chùa Báo Ân khi ấy đã đi vào trong dân gian bằng những câu ngợi ca hết lời: "Phong quang cảnh trí trăm đường/Trong xây chín giếng, ngoài tường lục lăng/Rõ mười cửa động tưng bừng/Đền vàng tỏa ngọc chất từng như nêm".