Luzon Chiến_dịch_Philippines_(1944-1945)

Bài chi tiết: Trận Luzon
Các binh lính thuộc tiểu đoàn 185, Sư đoàn bộ binh 40, đang di chuyển theo sau một chiếc xe tăng qua các vị trí quân Nhật trên đảo Panay

Vào ngày 15 tháng 12-1944, quân Mỹ thực hiện các cuộc đổ bộ đập tan các vị trí kháng cự rời rạc của quân Nhật phía Nam đảo Mindoro. Tuy nhiên để mở đường cho các cuộc đổ bộ đã được lên kế hoạch trên đảo Luzon là các hoạt động chính của Hải quân Mỹ tại vịnh Lingayen. Ngày 9 tháng 1-1945, tại bãi biển cực Nam vịnh Lingayen phía Đông đảo Luzon, Tướng Krueger chỉ huy Tập đoàn quân số 6 đổ bộ lên đảo với vài đơn vị của ông. Nối tiếp nhóm tiền tiêu này là 175.000 quân Mỹ đặt chân lên hòn đảo vài ngày sau. Với sự yểm trợ tích cực của Không quân, các đơn vị bộ binh nhanh chóng tiến sâu vào trong đất liền và chiếm lấy căn cứ Clark, cách Manila 40 dặm về phía Tây Bắc, trong vòng một tuần cuối tháng giêng.

Theo sau đó, hai cánh quân Mỹ tiến lên đảo, một có nhiệm vụ cô lập bán đảo Bataan với phần còn lại của đảo, và cánh thứ hai bao gồm cả binh chủng lính dù tiến vào phía Nam Manila. Hai cánh quân hình thành thế gọng kiềm bao vây thành phố. Ngày 3 tháng 3-1945, các đơn vị thuộc Sư đoàn Kỵ binh số 1 tiếp cận được vùng ngoại vi phía Bắc Manila và Sư đoàn Kỵ binh số 8 đã đơn độc tiến vào thành phố từ hướng Bắc.

Khi vòng vây đối với thành phố Manila ngày càng khép chặt, bán đảo Bataan nhanh chóng bị quân Mỹ chiếm giữ. Ngày 16 tháng 2, các đơn vị lính dù và tàu đổ bộ tiếp cận đảo Corregidor và dẹp tan mọi sự chống trả của quân Nhật tại đây vào ngày 27 tháng 2.

Mặc cho những bước tiến khả quan ban đầu, các cuộc đụng độ tiếp theo ở Manila diễn ra ác liệt. Phải đến ngày 3 tháng 3, quân Mỹ mới quét sạch tất cả quân Nhật trong thành phố. Tuy nhiên quân Nhật tại pháo đài Drum, một căn cứ vững chắc nằm trên một hòn đảo trong vịnh Manila gần Corregidor kháng cự cho đến ngày 13 tháng 4, khi mà một toán lính bí mật đổ bộ lên đảo và thiêu rụi pháo đài với 3000 gallon nhiên liệu diesel. Không một lính Nhật nào sống sót sau đó.

Tổng cộng, có 10 Sư đoàn và 5 Trung đoàn hoạt động độc lập tham gia vào chiến dịch lớn nhất trên mặt trận Thái Bình Dương. Lực lượng được huy động tại đây nhiều hơn bất kỳ một lực lượng nào ở các chiến trường Bắc Phi, Ý, hay miền Nam nước Pháp.