Đa_thê_ở_động_vật

Đa thê ở động vật hay còn gọi là chế độ đa thê ở động vật hay giao phối đa bội là một hệ thống giao phối trong đó có một con đực sống và giao phối với nhiều con cái, nhưng mỗi con cái chỉ được giao phối với một con đực đó. Các hệ thống trong đó một số con cái giao phối với một vài con đực được định nghĩa là giao phối hỗn tạp hoặc đa phối nhóm (Polygynandry). Giao phối ở bãi sinh sản ví dụ như trường đấu (lek) thường được coi là một dạng đa thê vì một con trống có tiếp cận với nhiều con mái, nhưng hệ thống giao phối dựa trên bãi sinh sản khác nhau ở chỗ con đực không có sự gắn bó với con cái mà chúng giao phối và giữa những con cái được giao phối này cũng không có sự gắn bó với nhau. Chế độ đa thê (Polygyny) là điển hình của các nhóm một con đực (trống), nhiều cái (mái) và có thể được tìm thấy ở nhiều loài hải cẩu voi, khỉ đột, Prinia cánh đỏ, Gà lôi, hươu đỏ, hổ Bengal, Xylocopa varipuncta, Anthidium manicatum, nai sừng tấm..., theo đó một con đực khỏe mạnh đứng đầu sẽ làm chủ một hậu cung động vật gồm nhiều con cái và con non của chúng. Thông thường trong các hệ thống đa thê, cá thể cái sẽ đảm nhiệm phần lớn việc chăm sóc con non.