Sự_khan_hiếm

Trong kinh tế học, sự khan hiếm là vấn đề mà các nhu cầu và ước muốn của con người là vô hạn, trong khi các nguồn lực lại hữu hạn. Nói cách khác, xã hội không thể có đủ nguồn lực sản xuất để thỏa mãn mọi nhu cầu của con người. Sự khan hiếm còn hàm ý rằng không thể theo đuổi cùng một lúc nhiều mục tiêu xã hội với cùng một số các nguồn lực sẵn có, sự đánh đổi sẽ xảy ra, khiến mục tiêu này xung đột với mục tiêu khác. Trong bài luận văn có tầm ảnh hưởng lớn viết năm 1932, Lionel Robbins đã định nghĩa kinh tế học như là: "Khoa học nghiên cứu hành vi con người trong các mối quan hệ giữa tiêu dùng trong điều kiện các nguồn lực khan hiếm và các cách thức lựa chọn thay thế nhau".Trong sinh học, sự khan hiếm đề cập đến sự giảm sút số lượng các cá thể của các loài. Các loài sinh vật quý hiếm được luật pháp quốc tế, quốc gia và địa phương bảo vệ tránh khỏi sự tuyệt chủng.Sự khan hiếm tồn tại bất cứ khi nào nhu cầu của một cá nhân hoặc một chủ thể kinh tế lớn hơn khả năng sẵn có về tài nguyên để thỏa mãn nhu cầu đó. Ví dụ, một em bé mong muốn có một lon coca giá 6 ngàn đồng và một phong kẹo cao su 2 ngàn đồng, trong khi đó nó chỉ có trong tay 7 ngàn đồng, em bé đó gặp phải sự khan hiếm. Vấn đề quan trọng hơn là sự khan hiếm luôn tồn tại vì mẫu thuẫn vốn có giữa nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ và khả năng thỏa mãn nhu cầu. Mẫu thuẫn này được thể hiện ở chỗ nhu cầu của con người tăng lên không ngừng trong khi khả năng sản xuất của xã hội để thỏa mãn nhu cầu lại có giới hạn do sự hạn chế về tài nguyên.Tài nguyên được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm mọi nguồn lực để sản xuất ra các hàng hóa, dịch vụ bao gồm tiền vốn, đất đai, máy móc thiết bị, công nghệ, quản lý, thời gian. Đối với các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ, nguồn lực khan hiếm chính là các yếu tố sản xuất khan hiếm. Đối với người tiêu dùng, nguồn lực khan hiếm chính là lượng thu nhập nhất định mà anh ta kiếm được dùng để mua sắm các hàng hóa, dịch vụ cho tiêu dùng.