Quan_hệ_Nam-Bắc_Triều_Tiên

Quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên, Quan hệ Nam-Bắc Hàn hay Quan hệ Liên Triều (Quan hệ CHDCND Triều Tiên-Đại Hàn Dân Quốc) là mối quan hệ chính trị, ngoại giao, quân sự giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều TiênĐại Hàn Dân Quốc từ sự phân chia Triều Tiên vào năm 1945 sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ II đến ngày nay. Trước đây là một quốc gia duy nhất bị Nhật Bản sáp nhập vào năm 1910, hai quốc gia đã bị chia cắt kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai năm 1945 và tham gia vào Chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950–1953, kết thúc bằng một hiệp định đình chiến nhưng không có hiệp ước hòa bình. Triều Tiên là một nhà nước độc đảng toàn trị do gia tộc họ Kim điều hành. Hàn Quốc trước đây được một loạt các chế độ độc tài quân sự cai trị cho đến khi được dân chủ hóa vào năm 1987 khi nước này tổ chức bầu cử trực tiếp. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ bán đảo Triều Tiên và các đảo xa. Cả hai quốc gia đều gia nhập Liên Hợp Quốc năm 1991 và được hầu hết các quốc gia thành viên công nhận. Kể từ những năm 1970, cả hai quốc gia đã tổ chức các cuộc đối thoại ngoại giao không chính thức nhằm xoa dịu căng thẳng quân sự. Năm 2000, Tổng thống Kim Dae-jung trở thành Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc thăm Triều Tiên, 55 năm sau khi bán đảo bị chia cắt.Dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung, Hàn Quốc đã áp dụng Chính sách Ánh dương nhằm theo đuổi mối quan hệ hòa bình hơn với Triều Tiên.[1] Chính sách thành lập Khu công nghiệp Kaesong, trong số những thứ khác. Chính sách này được tiếp tục bởi tổng thống tiếp theo Roh Moo-hyun, người cũng đã đến thăm Triều Tiên vào năm 2007 và gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Thông qua cuộc gặp này, cả hai nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố theo đuổi hòa bình và khôi phục quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng, Chính sách Ánh dương đã bị chấm dứt dưới thời hai chính phủ tiếp theo. Trong nhiệm kỳ tổng thống của Lee Myung-bakPark Geun-Hye, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trở nên thù địch hơn.Năm 2018, bắt đầu với việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018, mối quan hệ đã có một bước đột phá ngoại giao lớn và trở nên nồng ấm hơn đáng kể. Tháng 4/2018, hai nước đã ký Tuyên bố Panmunjom vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất Bán đảo Triều Tiên.[2] Năm 2018, đa số người dân Hàn Quốc đã tán thành mối quan hệ mới.[3] Các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đã tạo điều kiện cho mối quan hệ tích cực giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước vẫn còn.