Phật_giáo_Nguyên_thủy

Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Sơ kỳ là cách gọi các tư tưởng Phật giáo thời kỳ đầu, từ khi được Tất-đạt-đa Cồ-đàm giác ngộ, truyền bá cho đến khi Phật giáo bị phân chia thành các bộ, phái.[1]Kinh điển Phật giáo chỉ được ghi chép thành văn bản từ Hội nghị kết tập lần thứ ba, do vậy, các giáo lý Phật giáo Nguyên thủy chỉ được truyền miệng và ghi nhớ qua đọc tụng. Sau này, khi Phật giáo đã phân chia thành bộ, phái thì việc ghi chép kinh diển mới bắt đầu và do đó nhiều khả năng việc ghi chép bị ảnh hưởng của tư tưởng riêng của bộ phái mình. Điều này dẫn tới việc có những khác biệt nhất định về số lượng và nội dung kinh giữa Nikàya (của Thượng tọa bộ Phật giáo) và A-hàm (của Đại thừa Phật giáo).Phật giáo Nguyên thủy tuy chưa phân chia thành bộ phái, song cũng có nhiều bộ phận tăng đoàn khác nhau chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác. Lý do là nhiều học trò của Tất-đạt-đa Cồ-đàm trước khi đi theo ngài đã tu theo các giáo phái khác nhau. Ví dụ, Xá-lợi-phất (Sāriputta) và Mục-kiền-liên (Moggallāna) xuất thân trong các gia đình tín đồ Bà-la-môn rồi theo học Sanjaya Belatthiputta, người sáng lập một trong sáu tôn giáo mà Phật gọi là ngoại đạo. Hay như Ma-ha Ca-diếp (Mahākassapa) từng tu theo phái khổ hạnh (đầu đà). Mặt khác, trong thời kỳ đầu, người ta còn thấy sự chia rẽ trong tăng đoàn khi Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) nhiều lần tìm cách ám hại Phật để giành vị trí lãnh đạo tăng đoàn. Hay, sau khi Phật qua đời, trong hội nghị kết tập lần thứ nhất dường như đã có sự bất đồng giữa A-nan (Ananda) và Ma-ha Ca-diếp về việc giữ đạo theo lời Phật dạy (Pháp) hay vừa theo lời Phật vừa theo kỷ luật (Giới).