Nghiên cứu về ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam Ngôn_ngữ_ký_hiệu

Ngôn ngữ ký hiệu ở Việt Nam đã được hình thành từ rất lâu. Nhưng do trước đây chưa có nhà khoa học nào tìm hiểu,nghiên cứu về nó nên người Việt Nam không nghĩ và đã không xem những dấu hiệu mà người điếc sử dụng là ngôn ngữ. Họ cho rằng đó chỉ là những điệu bộ khua tay của người điếc để cố gắng giao tiếp do thiếu ngôn ngữ. Mãi đến năm 1996, một tiến sĩ ngôn ngữ học người Mỹ JAMES C. WOODWARD, người đã từng làm việc với William Stokoe tại trường đại học Gallaudet của Mỹ, đã sang Việt Nam thực hiện nghiên cứu về ngôn ngữ ký hiệu của cộng đồng người điếc ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của ông, ở Việt Nam hiện có ít nhất 3 ngôn ngữ ký hiệu phổ biến (được cộng đồng người điếc sử dụng nhiều nhất). Ông đã dùng tên của những địa danh này để đặt tên cho 3 ngôn ngữ ký hiệu đó: Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội, ngôn ngữ ký hiệu Hải Phòng, và ngôn ngữ ký hiệu Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, đã có thêm những dự án ở Việt Nam:dự án Giáo dục hòa nhập cho trẻ điếc 1998-2001 (Viện Khoa học Giáo dục- tổ chức Pearl S. Buck, Int), dư án Giáo dục trung học và đại học cho người Điếc Việt Nam 2000 cho đến hiện tại (Sở GD-ĐT Đồng Nai và GS TS JAMES C. WOODWARD) để thực hiện việc thu thập lại những dấu hiệu của người điếc Việt Nam và tìm hiểu về ngữ pháp của ngôn ngữ này. Công việc này đã kích thích thêm nhiều nhà khoa học ở Việt Nam cũng bắt đầu tìm hiểu về ngữ pháp của ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam.