Ngâm_khúc

Ngâm khúc là thể loại trữ tình trường thiên thuần túy Việt Nam viết bằng thể thơ song thất lục bát, thường có quy mô tương đối lớn (thường là trăm câu thơ, lớn hơn nữa là đến vài trăm câu thơ). Ngâm khúc là những khúc tự tình trên cơ sở xây dựng hình tượng nhân vật độc thoại.Trong thơ này nhân vật trữ tình thường thể hiện nỗi niềm hồi tưởng mong nhớ, sầu muộn, suy tư, ai oán, xót thương cho số phận mình. Ngâm khúc là sản phẩm kết hợp nhuần nhuyễn giữa thể thơ song thất lục bát với phương thức trữ tình dài hơi, gắn với số phận thăng trầm của một con người. Thể thơ song thất lục bát có câu song thất vần trắc xen câu lục bát vần bằng; có vần chân và vần lưng khiến cho âm điệu xoắn xuýt, thích hợp với tình cảm ai oán, thương xót của thể loại ngâm khúc hơn bất cứ thể loại nào khác. Ngâm khúc thường dùng nhiều tiểu đối, từ Hán Việt cho câu thơ tha thiết trang trọng. "Ngâm khúc có khi là khúc ca ai oán tình sầu, có khi là nỗi buồn thăm thẳm nhưng không bao giờ nó thoát ra buổi hoàng hôn đầy bất trắc của bóng tối phong kiến đương thời".Các tác phẩm tiêu biểu của thể loại Ngâm khúc là: Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn Đoàn Thị Điểm (?) gồm 476 câu thơ được viết bằng chữ Nôm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều được viết bằng chữ Nôm gồm 356 câu thơ.