Mã_di_truyền
Mã_di_truyền

Mã_di_truyền

Mã di truyền là phần mật mã quy định thông tin về trình tự các axit amin đã được mã hoá dưới dạng trình tự các nucleotide trên gen. Hình thức mã hoá này thống nhất ở hầu hết các loài sinh vật, trong đó, ba nucleotide liên tiếp trên mạch mã gốc ADN của gene, sẽ quy định một loại axit amin nhất định. Do đó, mã di truyền còn được gọi là mã bộ ba, và tổ hợp ba nucleotide được gọi là một bộ ba mã hoá. Trong ADN có bốn loại nucleotide khác nhau bởi các gốc nucleobaseAdenine (viết tắt là A), Thymine (viết tắt là T), Cytosine (tiếng Việt còn gọi là Xytosine, viết tắt là X hoặc C), và Guanine (viết tắt là G). Các bộ ba nucleotide trong mỗi mạch đơn của chuỗi xoắn kép ADN khi giản phân, là một tổ hợp của 3 trong bốn loại nucleotide này, gọi là Triplet. Từ các mạch đơn ADN này được các ARN thông tin nhân bản lên thành các mã sao. Quá trình này các Triplet được sao thành các codon của ARN. Nhưng các codon khác với triplet, (đây là bản sao âm bản của triplet thay vì sao nguyên bản), codon là bộ ba các ribo-nucleotide có gốc là nucleobase đối ứng với các nucleobase của nucleotide trong triplet đối ứng gốc (Nguyên tắc bổ sung). Nhưng A không đối ứng thành T (như trong 2 mạch của chuỗi xoắn kép ADN) mà thành Uracil (U) của ARN thông tin. Còn T vẫn đối ứng thành A, và X (C) và G thì vẫn đối ứng với nhau (X (C) thành G, và G thành X (C)).