Màu_tích

Trong vật lý hạt, màu tích là một tính chất của các quarkgluon được liên hệ với tương tác mạnh giữa các hạt trong lý thuyết Sắc động lực học lượng tử (QCD). Màu tích tương tự với khái niệm điện tích của các hạt, nhưng do lý thuyết QCD rất phức tạp về mặt toán học, nên màu tích có nhiều đặc điểm kĩ thuật khác với điện tích. "Màu" của các quark và gluon hoàn toàn không liên hệ gì với khái niệm màu sắc trong tự nhiên.[1] Hơn thế nữa, nó là một cái tên kỳ lạ cho một tính chất mà hầu như không còn thể hiện ra khi xét đến những khoảng cách lớn hơn kích thước của một hạt nhân nguyên tử. Thuật ngữ màu được chọn bởi vì tính chất trừu tượng này của các hạt quark và gluon có ba khía cạnh, mà tương tự như ba màu cơ bản đỏ, lục, lam. So sánh với điện tích, nó chỉ nhận các giá trị âm hoặc dương mà thôi.Ngay sau khi sự tồn tại của các quark được đề xuất vào năm 1964, Oscar W. Greenberg đã đưa ra khái niệm màu tích để giải thích vì sao các quark có thể cùng tồn tại bên trong các hadron với trạng thái lượng tử giống nhau mà không bị vi phạm nguyên lý loại trừ Pauli. Khái niệm này bắt đầu trở thành có ích hơn khi lý thuyết sắc động lực học lượng tử bắt đầu được phát triển từ thập niên 1970 và là một bộ phận quan trọng trong Mô hình chuẩn của vật lý hạt.[cần dẫn nguồn]