Khởi_nghĩa_Giàng_Pả_Chay

Khởi nghĩa Giàng Pả Chay hay Nổi dậy Vừ Pả Chay là một cuộc nổi dậy của người H'Mông chống lại chính quyền thực dân Pháp ở Tây Bắc Đông Dương kéo dài từ năm 1918 đến 1921 do Vừ Pả Chay, một thanh niên Mông, quê ở vùng Điện Biên, làm thủ lĩnh. Vừ Pả Chay chủ trương đoàn kết dân tộc H'Mông chống lại người Pháp và người Thái, vốn được người Pháp giao quyền thu thuế và cai trị tại Xứ Thái tự trị. Nghĩa quân xúi giục người H'Mông không đóng thuế cho Pháp và quan lại người Thái tại châu Thái và Lào, vận động nhân dân với khẩu hiệu: "Đánh đuổi Pháp", "Người Mông sẽ được tự do làm ăn, ấm no sung sướng".Khởi nghĩa bùng nổ từ đầu 1918 tại Tủa Chùa, Lai Châu. Sau lan sang Thuận Châu, Sơn La. Khởi nghĩa bị Pháp đàn áp dữ dội nhưng cuộc chiến không cân sức cứ kéo dài. Đến hè 1919, Pả Chay yếu thế, rút lui sang Xieng Khouang, kêu gọi người Mông chống người Pháp, người Việt, người Lào, người Thái và cả người Khơ Mú để lập một nước riêng, lấy miền Điện Biên Phủ làm kinh đô. Sau đó quân Pháp bao vây nên hàng ngũ của Vừ Pả Chay tan rã. Ông rút vào rừng và bị ám sát vào tháng 11 năm 1922.Vào thời kỳ đỉnh cao, cuộc nổi dậy bao trùm hơn 40 nghìn cây số vuông của Đông Dương, từ Điện Biên Phủ ở Bắc Kỳ đến Nậm Ou ở Luông Pha Băng; từ Mường Cha phía bắc Viêng Chăn đến Sầm Nưa tại Lào. Cùng thời với Hoàng Hoa Thám đánh Pháp và các cuộc nổi dậy của ngư­ời H'Mông như Giàng Chỉn Hùng (Bắc Hà), Thảo Nủ Đa (Mù Căng Chải)... Khởi nghĩa Giàng Tả Chay là biểu tượng tinh thần dân tộc chống thực dân vào đầu thế kỉ 20.