Ebla
Ebla

Ebla

Ebla (Sumer: 𒌈𒆷 eb₂-la,[1] tiếng Ả Rập: إبلا‎, hiện đại: تل مرديخ, Tell Mardikh) là một trong những vương quốc sớm nhất ở Syria. Tàn tích còn lại tạo nên một mô đất gần làng Mardikh cách Aleppo khoảng 55 km (34 dặm) phía tây nam. Ebla là một địa điểm quan trọng trong suốt thiên niên kỷ 3 TCN và trong nửa đầu thiên niên kỷ 2 TCN. Việc khám phá ra Ebla chứng minh Levant là một trung tâm văn minh cổ đại sánh ngang Ai CậpLưỡng Hà, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng chỉ có hai nơi này mới là trung tâm quan trọng duy nhất ở Cận Đông trong thời đại đồ đồng sớm. Vương quốc Ebla thứ nhất cũng được ghi nhận là cường quốc đầu tiên trên thế giới.Khởi đầu là một khu định cư nhỏ trong Thời đại đồ đồng sớm (khoảng năm 3500 TCN), Ebla phát triển thành một đế chế giao thương rồi trở thành cường quốc bành trướng lãnh thổ và áp đặt quyền bá chủ lên phần lớn miền bắc và miền đông Syria. Ebla bị diệt vong vào thế kỷ 23 TCN; sau đó được tái thiết và được nhắc đến trong các ghi chép về Triều đại thứ ba của Ur. Ebla thứ nhì kế tục vương quốc đầu tiên nhưng do triều đại mới cai trị. Vương quốc thứ nhì bị diệt vong vào cuối thiên niên kỷ 3 TCN, mở đường cho các bộ lạc Amorite định cư trong thành, lập nên Ebla thứ ba. Vương quốc thứ ba cũng phát triển thành một trung tâm giao thương lớn mạnh; là đối trọng và đồng minh của Yamhad (Aleppo ngày nay) cho đến khi bị vua Hittite Mursili I diệt vong hoàn toàn vào thế kỷ 16 TCN.Ebla duy trì sự thịnh vượng qua mạng lưới giao thương rộng lớn. Các đồ tạo tác từ Sumer, Síp, Ai Cập cho đến tận Afghanistan đã được tìm thấy trong cung điện cổ. Vương quốc có ngôn ngữ riêng là tiếng Ebla. Tổ chức chính trị Ebla khác với hình mẫu ở Sumer. Phụ nữ có đặc quyền và hoàng hậu cũng tham chính vào điều hành và hoạt động tôn giáo. Các thần điện chủ yếu thờ các thần Semit phương bắc và có những thần là đặc trưng chỉ có ở Ebla. Thành bắt đầu được khai quật từ năm 1964 và nổi tiếng với các bảng Ebla. Đã phát hiện khoảng 20.000 bảng chữ hình nêm với niên đại 2350 TCN.[note 1] Được viết bằng chữ hình nêm của cả hai ngôn ngữ là tiếng Sumer và tiếng Ebla, kho lưu trữ này mang lại hiểu biết tường tận hơn về ngôn ngữ Sumer cũng như tổ chức chính trị và phong tục tập quán của xã hội Levant giữa thiên niên kỷ 3 TCN.

Ebla

Tình trạng Tàn tích
Các nhà khảo cổ học Paolo Matthiae
Thành lập ~ 3500 TCN
Loại Khu định cư
Tọa độ 35°47′53″B 36°47′53″Đ / 35,798°B 36,798°Đ / 35.798; 36.798Tọa độ: 35°47′53″B 36°47′53″Đ / 35,798°B 36,798°Đ / 35.798; 36.798
Niên đại Thời đại đồ đồng
Nền văn hóa Nền văn minh Kish, Amorite
Bị bỏ rơi Thế kỷ 7
Tên khác Tell Mardikh
تل مرديخ
Vị trí Idlib, Syria
Mở cửa công chúng
Thuộc sở hữu Công cộng
Khai quật ngày 1964–2011