Dreadnought
Dreadnought

Dreadnought

Dreadnought (tiếng Anh có khi còn được viết là Dreadnaught) là kiểu thiết giáp hạm thống trị trong thế kỷ 20. Chiếc đầu tiên của loại này, thiết giáp hạm Dreadnought của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc, đã có một tầm ảnh hưởng lớn đến mức khi được hạ thủy vào năm 1906, mọi thiết giáp hạm được chế tạo sau nó được gọi là những "dreadnought" còn những chiếc trước đó được đặt tên lại là những thiết giáp hạm tiền-dreadnought. Thiết kế của nó mang hai đặc tính rất cách mạng: sơ đồ vũ khí trang bị 'toàn súng lớn', và vận hành bằng hệ thống động lực turbine hơi nước. Sự ra đời của những dreadnought làm sống lại cuộc chạy đua vũ trang hải quân, chủ yếu là giữa Anh QuốcĐức nhưng cũng ảnh hưởng trên khắp thế giới, khi lớp tàu chiến mới là một biểu trưng chủ yếu của sức mạnh quốc gia.Khái niệm về một tàu chiến toàn súng lớn đã được phát triển nhiều năm trước khi chế tạo chiếc Dreadnought. Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã bắt đầu dự án chế tạo một thiết giáp hạm toàn súng lớn vào năm 1904, nhưng hoàn tất nó như một chiếc tiền-dreadnought; Hải quân Hoa Kỳ cũng đã chế tạo những chiến hạm toàn súng lớn. Kỹ thuật tiến triển nhanh chóng trong suốt thời đại dreadnought; các thiết kế tiếp theo gia tăng nhanh chóng về kích cỡ cũng như áp dụng các cải tiến về vũ khí, vỏ giáp và động lực. Trong vòng mười năm, những chiếc thiết giáp hạm mới đã vượt trội hơn bản thân Dreadnought; những tàu chiến mạnh hơn hẳn này được gọi là những siêu dreadnought. Đa số dreadnought bị tháo dỡ sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc theo những điều khoản của Hiệp ước Hải quân Washington, nhưng nhiều chiếc siêu-dreadnought mới hơn đã tiếp tục phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.Dù việc chế tạo dreadnought tiêu tốn rất nhiều tài nguyên vào đầu thế kỷ 20, song chỉ có một trận đánh lớn thực sự diễn ra giữa các hạm đội dreadnought. Trong trận Jutland, hải quân Anh và Đức đã đối đầu với nhau mà không mang lại kết quả quyết định. Thuật ngữ 'dreadnought' dần dần ít được sử dụng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, đặc biệt là sau Hiệp ước Hải quân Washington, vì hầu như mọi thiết giáp hạm còn lại đều có chung những đặc tính với dreadnought; chúng còn được dùng để mô tả những chiếc tàu chiến-tuần dương, một kiểu tàu chiến khác cùng phát sinh từ cuộc cách mạng dreadnought.[1]