Danh_sách_người_đoạt_giải_Nobel_Hóa_học

Giải Nobel hóa học (Tiếng Thụy Điển: Nobelpriset i kemi) là một giải thưởng thường niên của Viện Caroline (Karolinska Institutet). Đây là một trong năm giải Nobel do Alfred Nobel thành lập vào năm 1895 trao cho các lĩnh vực Vật lý, Văn học, Hòa bình, cùng Sinh lý học và Y khoa từ năm 1901[1]. Theo lời của Nobel trong di chúc, Giải Nobel Hóa học do Quỹ Nobel quản lý và được trao bởi ủy ban gồm năm thành viên được lựa chọn từ Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển [2]. Người nhận giải Nobel Hóa học đầu tiên là nhà khoa học người Hà Lan Jacobus Henricus van 't Hoff với công trình khám phá ra các định luật về động lực học hóa học và áp suất thẩm thấu trong các dung dịch [3]. Mỗi nhà khoa học nhận được một huy chương, bằng chứng nhận và cùng với phần thưởng tài chính, số tiền thưởng hàng năm có thay đổi theo thời gian [4]. Như năm 1901, Jacobus Henricus van 't Hoff nhận được phần thưởng trị giá 150.782 SEK, tính ra tương đương với 7.731.004 SEK với tỷ giá vào thời điểm tháng 12 năm 2008. Kể từ năm 2001, giải thưởng tài chính hàng năm là 10.000.000 SEK. Lễ trao giải thưởng diễn ra hàng năm ở Stockholm vào ngày 10 tháng 12, đúng vào ngày mất của Nobel [5].Từ năm 1901 tới năm 2017, Ủy ban Nobel đã trao tặng 108 giải Nobel Hóa học cho 178 nhà khoa học trên khắp thế giới, trong đó chỉ có bốn người là phụ nữ, đó là: Marie Curie (1911), Irène Joliot-Curie (1935), Dorothy Hodgkin (1964) và Ada Yonath (2009) [6]. Trong năm 2017, giải Nobel Hóa học được trao cho ba nhà khoa học: Jacques Dubochet, Joachim FrankRichard Henderson cho nghiên cứu phát triển hiển vi điện tử lạnh giúp xác định cấu trúc với độ phân giải các phân tử sinh học trong dung dịch. Ba nhà khoa học nhận một giải thưởng trị giá 9.000.000 SEK, tương đương với 1 triệu hay 1,1 triệu USD[7]. Marie Curie và Dorothy Crowfoot Hodgkin là hai nhà nữ khoa học đã nhận giải Nobel Hóa học độc lập, không phải chia sẻ với ai. Trong số những nhà khoa học đoạt giải, 25 người có công trình nghiên cứu về hóa hữu cơ là lĩnh vực có nhiều giải Nobel hóa học nhất [8]. Xét về tuổi tác, người đoạt giải Nobel Hóa học trẻ nhất là Koichi Tanaka vào năm 2002 khi 43 tuổi. Người đoạt giải Nobel lớn tuổi nhất là Charles J. Perdersen vào năm 1987 khi ông đã sang tuổi 83 [9]. Nhà Curie có lẽ cũng là gia đình nhận giải Nobel nhiều nhất. Hai vợ chồng Marie Curie và Pierre Curie đã được trao giải Nobel Vật lý vào năm 1903. Marie Curie nhận giải Nobel Hóa học vào năm 1911. Con gái của họ là Irene Joliot-Curie được trao giải Nobel Hóa học vào năm 1935, cùng với chồng Frederic Joliot. Ngoài ra còn có Linus Carl Pauling được trao giải Nobel 2 lần trong hai lĩnh vực hóa học và hòa bình [10]. Có 8 năm giải thưởng không được tổ chức: 1916, 1917, 1919, 1924, 1933, 1940, 1941, 1942. Có thể không trao giải do ảnh hưởng của thế chiến I và thế chiến II.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Danh_sách_người_đoạt_giải_Nobel_Hóa_học http://www.timesofisrael.com/israeli-prof-arieh-wa... http://vietsciences.free.fr/nobel/tongquat/giaitho... http://web.archive.org/web/20080822184717/http://n... http://nobelprize.org/ http://nobelprize.org/alfred_nobel/ http://nobelprize.org/award_ceremonies/ http://nobelprize.org/nobel_prizes/ http://nobelprize.org/nobel_prizes/chemistry/ http://nobelprize.org/nobel_prizes/chemistry/artic... http://nobelprize.org/nobel_prizes/chemistry/laure...