Cải_tạo_xã_hội_chủ_nghĩa

là quá trình cải biến có tính chất cách mạng các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng con người mới theo lí tưởng của chủ nghĩa xã hội. Theo nghĩa hẹp, về kinh tế xã hội, là quá trình cải biến nhằm thay thế quan hệ sản xuất cũ bằng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa theo những hình thức, quy mô và bước đi thích hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. CTXHCN gắn trực tiếp với quá trình phát triển lực lượng sản xuất, tổ chức lại nền sản xuất xã hội để có năng suất lao động cao hơn. Đối tượng của CTXHCN về quan hệ sản xuất bao gồm: kinh tế công thương nghiệp tư bản tư doanh và kinh tế cá thể của những người sản xuất hàng hóa nhỏ. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, CTXHCN được coi là một trong ba cuộc cách mạng (cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kĩ thuật và cách mạng tư tưởng văn hoá). Nhiệm vụ cải tạo được kết hợp chặt chẽ với xây dựng quan hệ sản xuất mới, trong đó lấy xây dựng làm mục tiêu chủ yếu. CTXHCN và xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn bó với nhau, bao gồm cải tạo quan hệ sản xuất (trên cả ba mặt: quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất, quan hệ quản lí, quan hệ phân phối sản phẩm) và phát triển lực lượng sản xuất. CTXHCN là sự nghiệp lâu dài, phải tiến hành từng bước trong suốt thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội dựa trên cơ sở nguyên tắc: quan hệ sản xuất thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Song trước đây, việc tiến hành CTXHCN đã thể hiện tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí. Từ đầu thập kỉ 80, trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, khuyết điểm trên đang được từng bước khắc phục có hiệu quả.