Concerto_cho_violon_(Mendelssohn)
Concerto_cho_violon_(Mendelssohn)

Concerto_cho_violon_(Mendelssohn)

Concerto cho violon giọng Mi thứ, Op. 64 của Felix Mendelssohn là tác phẩm lớn cuối cùng của ông viết cho dàn nhạc giao hưởng. Tác phẩm này là một phần quan trọng trong danh sách biểu diễn của những tác phẩm viết cho đàn violon và là một trong những concerto cho violon được biểu diễn nhiều nhất từ xưa đến nay.[1][2][3] Một lần biểu diễn trung bình kéo dài khoảng gần nửa tiếng đồng hồ.Lúc đầu Mendelssohn ngỏ ý về chuyện viết một violon concerto với Ferdinand David, một người bạn thân và là concertmaster của dàn nhạc Leipzig Gewandhaus. Mặc dù thai nghén từ năm 1838, nhưng sáu năm sau tác phẩm mới hoàn tất, và tới năm 1845 mới được công diễn lần đầu tiên. Trong suốt thời gian này, Mendelssohn giữ liên lạc thường xuyên với David, hỏi ý kiến của David về chuyện sáng tác bản concerto này. Đây là một trong những concerto cho violon lỗi lạc nhất của thời Lãng Mạn và đã có ảnh hưởng nhiều lên các sáng tác của nhiều nhà soạn nhạc khác.Mặc dù bản violon concerto này gồm có ba chương theo cấu trúc tiêu chuẩn nhanh-chậm-nhanh và mỗi chương được viết theo dạng truyền thống, nhưng đây là một tác phẩm đầy sáng tạo và có nhiều yếu tố mới lạ đi trước thời đại. Có thể kể những điểm đặc biệt của concerto này là violon độc tấu bắt đầu ngay ở đầu chương một (thay vì phải chờ dàn nhạc chơi phần giới thiệu chủ đề chính của chương một trước, giống như những violon concerto của thời Cổ Điển) và toàn bộ tác phẩm được tạo thành một tổng thể, ba chương được nối với nhau không chỉ về giai điệu, hòa âm mà còn được trình bày liên tục không nghỉ giữa các chương.Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt ngay từ đầu và sau đó nhanh chóng trở thành một trong những violon concerto vĩ đại nhất của mọi thời đại. Cho tới ngày nay concerto này vẫn được nhiều người ái mộ và phát triển danh tiếng thành một violon concerto cốt yếu mà mọi nghệ sĩ độc tấu violon có tham vọng đều muốn tinh thông, và thường là tác phẩm đầu tiên mà họ học trong số những violon concerto của thời Lãng Mạn. Rất nhiều nghệ sĩ violon chuyên nghiệp đã thu âm bản violon concerto này và nó được biểu diễn thường xuyên trong các buổi hòa nhạc hay các cuộc thi nhạc cổ điển.Đôi khi tác phẩm cũng được gọi là Violon concerto số 2, để phân biệt với Violon concerto giọng Rê thứ (1821-1823) được "tái khám phá" bởi Yehudi Menuhin vào năm 1951.