Chủ_nghĩa_dân_tộc

Chủ nghĩa dân tộc (tiếng Anh: nationalism, còn được gọi là dân tộc chủ nghĩa, tư tưởng dân tộc, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa quốc dân,[1] chủ nghĩa quốc tộc) là một khái niệm phức tạp, có tính đa chiều, liên quan đến nhận biết cộng đồng (communal identification) với dân tộc (nation) của một người. Ý thức hệ chính trị này hướng đến việc giành được, và duy trì sự tự trị (self-governance), hoặc chủ quyền hoàn toàn (full sovereignty), trên một vùng lãnh thổ có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với một nhóm người (như là tổ quốc của họ). Chủ nghĩa dân tộc do đó cho rằng một dân tộc nên tự mình cai trị, không bị ảnh hưởng từ bên ngoài, và được kết nối với khái niệm self-determination (tự xác định, tự định hướng). Xa hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc còn hướng đến sự phát triển và duy trì bản sắc dân tộc (national identity) dựa trên các đặc trưng chung như văn hóa, ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo, các mục tiêu chính trị và/hoặc niềm tin về tổ tiên chung.[2][3] Vì vậy, chủ nghĩa dân tộc tìm cách bảo tồn văn hóa của dân tộc. Nó cũng thường liên quan cảm giác tự hào về những thành tựu của dân tộc, và có sự liên kết chặt chẽ với khái niệm chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa dân tộc theo các nghĩa này có thể tích cực hay tiêu cực.[4]Do đa số các quốc gia là đa sắc tộc hoặc có nhiều nhóm tự nhận vị thế quốc gia[5]. Chủ nghĩa dân tộc là một hiện tượng xã hội mạnh mẽ trên thế giới, khi các quốc kỳ, quốc ca, và những sự phân biệt quốc gia là các ví dụ về chủ nghĩa dân tộc sáo rỗng (banal nationalism) mà người ta thường thể hiện một cách vô thức.[6] Hơn nữa, một số học giả cho rằng chủ nghĩa dân tộc với hình thức tình cảm hoặc văn hóa, mà đôi khi được miêu tả bằng từ 'bản sắc dân tộc' (national identity) để tránh ảnh hưởng của nghĩa "hệ tư tưởng", là nền tảng xã hội hiện đại. Công nghiệp hóa, dân chủ hóa, và sự ủng hộ đối với sự tái phân bố kinh tế đã phần nào đóng góp cho sự đoàn kết xã hội mà chủ nghĩa dân tộc mang lại.[7][8][9] Chủ nghĩa dân tộc đã giữ vai trò ảnh hưởng chính hay nguyên nhân của Chiến tranh thế giới thứ nhất, và đặc biệt là Chiến tranh thế giới thứ hai do sự nổi lên của chủ nghĩa phát xít), một hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cấp tiến và độc đoán.[10][11][12][13]Chủ nghĩa dân tộc lý giải quyền lực nhà nước hình thành trên cơ sở dân tộc, khác với những người theo chủ nghĩa Marx cho quyền lực nhà nước trên cơ sở phân hóa giai cấp, hay chủ nghĩa tự do quyền lực Nhà nước trên cơ sở khế ước xã hội của các cá nhân. Chủ nghĩa dân tộc góp phần quan trọng hình thành nên các quốc gia từ các phong trào giải phóng dân tộc hay ly khai, hoặc có ảnh hưởng các chính sách dân tộc của nhà nước. Chính sách dân tộc chủ nghĩa có thể biểu hiện qua chính sách kinh tế, văn hóa, ví dụ cấm (hạn chế) nhập một hàng hóa từ bên ngoài vào để bảo vệ hàng nội, hay cấm (hạn chế) các tư tưởng, văn hóa, sản phẩm nghệ thuật từ bên ngoài vào để bảo vệ văn hóa, tư tưởng dân tộc, hay các sản phẩm văn hóa quốc nội, những chính sách mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa này không đồng nghĩa có lợi cho toàn thể dân tộc, mà có khi chỉ cho một nhóm người (ví dụ những người đang sản xuất mặt hàng, sản phẩm đó,...). Chủ nghĩa dân tộc thường được xem là rộng hơn, có tính chính trị hơn và không hoàn toàn trùng nhau với chủ nghĩa yêu nước, một khái niệm có tính mơ hồ hơn. Nó khởi nguồn cho rất nhiều các cuộc chiến tranh hoặc các tư tưởng bài ngoại, đóng cửa, phân biệt chủng tộc (như Đảng Dân tộc ở Nam Phi trước đây), kỳ thị sắc tộc thiểu số hay tôn giáo thiểu số (như ở Myanmar một thời), đối xử tệ với thổ dân (như ở châu Mỹ và Úc một thời), sự xích lại của một dân tộc trong một khu vực không phân biệt lãnh thổ. Sở dĩ từ chủ nghĩa dân tộc hay được những người cánh tả gọi là để phân biệt với chủ nghĩa quốc gia, vì mục tiêu dân tộc gắn với chủ nghĩa quốc tế, không tách rời nhau (như giải phóng dân tộc gắn với giải phóng nhân loại), chứ không hiểu là chủ nghĩa quốc gia hay được họ xem là gắn với phân biệt, kỳ thị chủng tộc, đế quốc hay nhân danh chủ nghĩa quốc gia để bảo vệ lợi ích những người cai trị. Quốc gia gắn liền với cương vực lãnh thổ, địa lý, còn dân tộc là một khái niệm khác.Về cơ bản hầu hết các khuynh hướng chính trị ở các quốc gia đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của chủ nghĩa dân tộc nhưng lý giải khác nhau. Thông thường chủ nghĩa dân tộc hay gắn bó với cánh hữu hơn vì họ coi trọng đoàn kết dân tộc, bảo vệ quyền lợi quốc gia - dân tộc hơn là tính đến các vấn đề giai cấp, và ít chịu ảnh hưởng hơn của chủ nghĩa quốc tế. Đôi khi chủ nghĩa dân tộc đi kèm với chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa nhà nước, và đối trọng với chủ nghĩa tự do coi trọng bảo vệ quyền cá nhân hơn. Do bản chất dân tộc là một khái niệm tranh cãi, cho nên chủ nghĩa dân tộc cũng hay được xem là mơ hồ, trong một sự cố gắng liên kết của những nhóm người có cùng huyết thống, màu da, hay ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo,...Một số phong trào chủ nghĩa dân tộc hiện nay có thể có hình thức hùng biện chính trị mị dân hoặc chiến lược liên kết với chủ nghĩa dân túy.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chủ_nghĩa_dân_tộc http://books.google.com/books?id=1GuaIAAACAAJ http://books.google.com/books?id=VV18cdwqVf4C http://books.google.com/books?id=bmgineq0r3MC&prin... http://books.google.com/books?id=jl7t2yMfxwIC http://books.google.com/books?id=kIW5GAAACAAJ http://www.merriam-webster.com/dictionary/national... http://www.academia.edu/1642214/Globalism_National... http://www.academia.edu/1642325/Global_Matrix_Nati... //dx.doi.org/10.1146%2Fannurev.soc.19.1.211 http://www.jewishvirtuallibrary.org/jsource/Holoca...