Chủ_nghĩa_duy_lý

Chủ nghĩa duy lý (Rationalism) là một học thuyết trong lĩnh vực nhận thức luận. Theo nghĩa rộng nhất, đó là quan điểm rằng lý tính là nguồn gốc của tri thức hay sự minh giải. Nói cách khác, chủ nghĩa duy lý là một phương pháp hoặc học thuyết mà trong đó tiêu chuẩn về chân lý không có tính giác quan mà có tính trí tuệ và suy diễn logic.Tùy theo mức độ nhấn mạnh phương pháp hay học thuyết này mà dẫn tới các quan điểm duy lý khác nhau, từ quan điểm ôn hòa rằng lý tính đáng được ưu tiên hơn các cách thu thập tri thức khác cho đến quan điểm cấp tiến rằng lý tính là con đường duy nhất tới tri thức. Chủ nghĩa duy lý thường được kết hợp với việc giới thiệu các phương pháp toán học vào triết học, như trong Descartes, Leibniz, Spinoza và các triết gia Khai sáng Pháp như Voltaire, Montesquieu, Rousseau, và thường được gọi là chủ nghĩa duy lý lục địa, bởi vì nó đã chiếm ưu thế trong các trường phái triết học của Châu Âu lục địa, trong khi ở Anh thống trị bởi Chủ nghĩa kinh nghiệm.Chủ nghĩa duy lý có tầm quan trọng lớn trong nền văn minh La Mã và Hy Lạp cổ đại. Tư duy này còn ảnh hưởng đến ngày nay, góp phần những thay đổi quan trọng xã hội.