Aleksandr_II_của_Nga
Aleksandr_II_của_Nga

Aleksandr_II_của_Nga

Alexander (Aleksandr) II Nikolaevich (tiếng Nga: Александр II Николаевич, Chuyển tự tiếng Nga sang ký tự Latinh: Aleksandr II Nikolayevich, phiên âm tiếng ViệtA-lếch-xan-đrơ II[1]) (29 tháng 4 [lịch cũ 17 tháng 4] năm 1818, Moskva – 13 tháng 3 [lịch cũ 1 tháng 3] năm 1881, Sankt-Peterburg), cũng được biết như Aleksandr vị Nga hoàng giải phóng (tiếng Nga: Александр Освободитель, Aleksandr Osvoboditel'), là một trong những vị Hoàng đế, hay Sa hoàng cuối cùng của đế quốc Nga, trị vì từ năm 3 tháng 3 năm 1855 đến khi ông bị ám sát vào năm 1881. Ông cũng kiêm nhiệm chức Đại vương công xứ Phần Lan và Vua Ba Lan. Nhà sử học Edvard Radzinsky (s. năm 1936) đã viết cuốn sách về ông có tựa là The Last Great Tsar, tức Vị Nga Hoàng Vĩ Đại Cuối Cùng.[2] Sở dĩ người ta gọi ông là "Aleksandr vị Nga hoàng giải phóng"[3] là do ông đã giải phóng 20 triệu người nông nô Nga vào năm 1861.[4] Tuy nhiên, triều đại ông đã kết thúc một cách bi kịch.[3]Là con của Nga hoàng Nikolai I, ông từng là một học sinh của nhà thơ Vasily Andreyevich Zhukovsky.[5] Nikolai mất năm 1855 và Aleksandr II (36 tuổi[3]) lên ngôi giữa lúc nước Nga gặp bất lợi trong chiến tranh Krym. Thất bại thảm hại của quân Nga trong chiến tranh Krym và nền giáo dục theo xu hướng Chủ nghĩa tự do của ông đã thúc đẩy ông thực hiện một cuộc cải cách quy mô lớn. Ông đã thực hiện cuộc cải cách nổi tiếng nhất với "Sắc lệnh giải phóng nông nô" năm 1861,[6] (trong khi chế độ nông nô vốn đã suy sụp kể từ cuộc khởi nghĩa trong các năm 1773 - 1775) theo đó những người nông dân có thể mua đất của địa chủ.[7] Cuộc cải cách của Nga hoàng đã được ủng hộ bởi em trai của ông là Đại vương công Konstantin Nikolayevich, cùng với những nhân vật khác như J. I. Rostovtsev, D. A. Milyutin, N. A. Milyutin, J. F. Samarin,... Ngoài ra, ông còn đề xướng những cải cách về Đại học (1863), pháp luật (1864), báo chí (1865), quân sự (1870), hay quyền tự trị của chính quyền các tỉnh (1864) và các thành phố (1870).[8] Những cải cách tiến bộ[9] của ông đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Nga theo đường lối Chủ nghĩa tư bản.[10]Về mặt đối ngoại, triều đình Aleksandr bành trướng mạnh mẽ, đặc biệt là ở châu Á. Quân Nga trấn áp của khởi nghĩa Tháng Giêng năm 1863 ở Ba Lan, đánh bại quân Ottoman, chiếm tỉnh Maritime từ tay triều đình Mãn Thanh, chinh phạt các xứ Khiva, Bokhara, Turkestan ở Trung Á, và bán Alaska cho Mỹ với giá 7.2 triệu đô la.[4][6] Trong các năm 1873 - 1874, Liên minh ba hoàng đế (Nga, Đức, Áo-Hung) được thành lập. Năm 1877, sau khi quân khởi nghĩa vùng Balkan bị quân đội Ottoman trấn áp, Aleksandr II tuyên chiến với Ottoman.[11] Thất bại của quân Ottoman trước quân Nga năm 1878 đã dẫn tới Hiệp ước San Stefano và sự hình thành của Nhà nước Bulgaria - nơi vua Aleksandr II được xem là một trong những quốc phụ.[12] Tuy nhiên, các đế quốc Tây Âu can thiệp vào tình hình Nga-Thổ, tại Hội nghị Berlin năm 1878 người Nga đã nhận lấy thất bại về ngoại giao.[8]Ông trị vì nước Nga trong thời kỳ vàng son của nền văn học quốc gia này,[13] với những nhà văn nổi tiếng như Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, Lev Nikolayevich Tolstoy, và Ivan Sergeyevich Turgenev.[14] Dù là một Nga hoàng có tư tưởng tự do nhất,[15][16][17] bên cạnh đó ông cũng là vị vua bằng mọi cách quyết phải giữ ngôi vị "Đấng cầm quyền chuyên chính" của triều đại, ngoài ra cải cách của ông vẫn còn hạn chế, tàn tích của chế độ nông nô vẫn còn.[18] Từ năm 1866, chính quyền Nga hoàng bắt đầu một thời kỳ của những vụ trấn áp. Sau khi "Sắc lệnh giải phóng nông nô" được ban bố, phong trào giải phóng tại Nga bước vào giai đoạn Cách mạng dân chủ tư sản, nói cách đây là giai đoạn của các cuộc đấu tranh do những người Dân tuý (các tầng lớp phi quý tộc bao gồm thương gia, tiểu tư sản, lớp thầy tu bên dưới và nông dân) lãnh đạo.[19] Nước Nga dưới triều Aleksandr II trở thành nơi ra đời của Chủ nghĩa khủng bố hiện đại.[14] Trong thập niên 1870 và 1880, những người theo Chủ nghĩa dân túy đóng vai trò không nhỏ trong cuộc đấu tranh chống chế độ quân chủ chuyên chế, và Aleksandr II là mục tiêu của nhiều vụ ám sát (1866, 1867, 1879, 1880).[8] Phong trào công nhân Nga cũng thành lập một số tổ chức trong thời gian này.[1]Nga hoàng Aleksandr II đã cưới Quận chúa Maria Aleksandrovna xứ Hesse từ khi ông còn là Thái tử. Tuy nhiên, cuối năm 1864, trong một chuyến viếng thăm chính thức đến học viện Smolny tại Sankt-Peterburg, ông gặp một nữ sinh tên là Yekaterina Mikhailovna Dolgorukova, và yêu say đắm người phụ nữ này.[20] Ông và Dolgorukova có bốn người con; họ đã gửi thư tình cho nhau trong suốt 15 năm, lại còn cưới nhau khi Hoàng hậu Maria qua đời năm 1880. Tháng 5 năm 2007, người ta đem bán đầu giá 11 bức thư tình được Aleksandr II viết từ tháng 2 năm 1868 cùng với 11 bức thư tình khác do tình nhân trẻ tuổi viết cho nhà vua từ tháng 10 năm 1871.[9][21]Nếu vua Aleksandr II không bị ám sát, ông sẽ ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của nước Nga vào giai đoạn tự do Chủ nghĩa như ở châu Âu:[14] vào ngày 13 tháng 3 [lịch cũ 1 tháng 3] năm 1881, ông đã phê duyệt bản hiến pháp Loris-Melikov, theo đó thành lập hai Ủy ban lập pháp, gồm những đại biểu được gián tiếp bầu chọn. Tuy nhiên, đúng ngày đó, những thành viên thuộc một tổ chức khủng bố cánh tả là Narodnaya Volya (Dân ý) đã đặt bom ám sát ông.[22] Ông bị thương nặng và qua đời cùng ngày, trong khi nhà cách mạng Ignacy Hryniewiecki - người đã làm nổ quả bom - cũng thiệt hại.[19] Sau đó, Nga hoàng Aleksandr III lên nối ngôi đã duy trì một chính sách chuyên chế hơn, bãi bỏ nhiều cải cách của tiên đế[7] và không chấp thuận hiến pháp Loris-Melikov[23], mở ra một thời kỳ của sự bảo thủ và trấn áp.

Aleksandr_II_của_Nga

Kế nhiệm Aleksandr III
Thân mẫu Charlotte của Phổ
Tước vịTước vị
Tước vị
Hoàng đế và Đấng cầm quyền chuyên chính của tất cả nước Nga, của Moskva, Kiev, Vladimir, Novgorod, Sa hoàng của Kazan, Sa hoàng của Astrakhan, Sa hoàng của Ba Lan, Sa hoàng của Xibia, Sa hoàng của Tauric Chersonesos, Sa hoàng của Gruzia, Lãnh chúa xứ Pskov, và Đại vương công xứ Smolensk, Litva, Volhynia, Podolia, và Phần Lan, Vương công xứ Estonia, Livonia, Courland và Semigalia, Samogitia, Belostok, Karelia, Tver, Yugra, Perm, Vyatka, Bulgaria cùng nhiều miền đất khác,…
Tiền nhiệm Nikolai I
Tên đầy đủ
Tên đầy đủ
Aleksandr Nikolayevich (Александр Николаевич).
Đăng quang 7 tháng 9 năm 1855.
Trị vì 2 tháng 3 năm 185513 tháng 3 năm 1881
&0000000000000026.00000026 năm, &0000000000000011.00000011 ngày
Sinh 29 tháng 4 năm 1818
Điện Kremlin, Moskva, Đế quốc Nga
Phối ngẫu Marie xứ Hesse và Rhine
Công chúa Catherine Dolgoroky
Mất 13 tháng 3 năm 1881 (62 tuổi)
Cung điện Mùa đông, Sankt-Peterburg, Đế quốc Nga
Tôn giáo Chính thống giáo Nga
Hoàng tộc Nhà Holstein-Gottorp-Romanov
An táng Đại giáo đường Thánh Phêrô và Phaolô
Pháo đài Thánh Phêrô và Phaolô, Sankt-Peterburg
Hậu duệ Đại Công nương Alexandra Alexandrovna
Thái tử Nikolai Aleksandrovich
Aleksandr III của Nga
Đại Công nương Maria Alexandrovna
Đại vương công Vladimir Aleksandrovich
Đại vương công Aleksei Aleksandrovich
Đại vương công Sergei Aleksandrovich
Đại vương công Pavel Aleksandrovich
Con không hợp pháp:
Antoinette Bayer
Michael-Bogdan Oginski
Joseph Raboxicz
Charlotte Henriette Sophie Jansen
George Alexandrovich Romanov Yurievsky
Olga Alexandrovna Romanov Yurievsky
Boris Alexandrovich Yurievsky
Catherine Alexandrovna Romanov Yurievsky
Thân phụ Nikolai I của Nga

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Aleksandr_II_của_Nga http://220.231.93.23:8000/collect/A-DHAngiang/inde... http://bahai-library.com/resources/tablets-notes/l... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/14059/Al... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/513251/R... http://www.britannica.com/facts/5/292199/Pan-Slavi... http://www.ditext.com/yarmolinsky/yar14.html http://www.encyclopedia.com/topic/Pan-Slavism.aspx http://books.google.com/books?id=52BmAAAAMAAJ&q=%2... http://www.history.com/this-day-in-history.do?acti... http://www.infoplease.com/ce6/history/A0843532.htm...